Multimedia Đọc Báo in

Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ

14:45, 24/07/2023

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: “Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ... Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh dũng cảm của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ…”.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhà nước non trẻ phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách, mà lớn nhất là âm mưu trở lại xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp. Nỗi đau của cuộc chiến trước chưa kịp hàn gắn, những vết thương mới lại tiếp tục chồng lên. Nhiều gia đình ly tán, mẹ già mất đi những đứa con thân yêu, vợ mất chồng, con mất cha…, đó là sự hy sinh không thể đong đếm được… Để góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát của gia đình các chiến sĩ, đồng bào, Đảng và Chính phủ đã xúc tiến vận động thành lập một tổ chức lấy tên “Hội Giúp binh sĩ tử nạn”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh với đại biểu thương binh quân đội và quân nhân phục viên sau buổi gặp tại Phủ Chủ tịch, ngày 29/1/1957. Ảnh tư liệu

Đầu năm 1946, Hội Giúp binh sĩ tử nạn (sau đổi tên là Hội Giúp binh sĩ bị thương) được thành lập ở Thuận Hóa, Hà Nội và nhiều nơi khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được mời làm Hội trưởng danh dự. Trong bức thư của Hồ Chủ tịch đăng trên Báo Cứu quốc ngày 7/1/1946, Người viết: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào, Chính phủ cảm ơn những liệt sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập, Thống nhất của nước nhà… Tôi gửi lời chào thân ái đến các gia đình liệt sĩ và tôi nhận các con liệt sĩ làm con nuôi của tôi”.

Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ.

Tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị với Chính phủ chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh” toàn quốc. Sau đó, Ban Vận động tổ chức “Ngày Thương binh” toàn quốc được thành lập. Đầu tháng 7/1947, Ban vận động họp tại Phú Minh, xã Phú Thịnh (Đại Từ, Thái Nguyên) nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm “Ngày Thương binh” toàn quốc.

Mỗi năm, vào dịp này, Bác đều gửi thư và quà đến các anh em thương binh và gia đình liệt sĩ như để tỏ lòng hiếu nghĩa với những người “quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào được sống…”.

Sau thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Ngày Thương binh toàn quốc được đổi tên thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Tháng 5/1968, mặc dù đang ốm, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đọc lại bản thảo Di chúc và viết bổ sung thêm một số nội dung, trong đó Người xác định: “Đầu tiên là công việc đối với con người”, đề nghị Đảng, Chính phủ và nhân dân cần dành sự quan tâm trước tiên đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ. Người viết: “Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ: “Mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”. Đối với cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sĩ: “chính quyền địa phương… phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

Thực hiện lời dặn của Người, Đảng và Chính phủ vận dụng, phát huy và cụ thể hóa thành nhiều chương trình, chính sách giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công đã thật sự trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp chính quyền trong cả nước với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực… nhằm làm vơi đi nỗi đau thương, mất mát của các thương binh, gia đình liệt sĩ.

Minh Đăng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.