Multimedia Đọc Báo in

Đoàn công tác của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh làm việc với Thường trực Tỉnh ủy

14:25, 20/07/2023

Sáng 20/7, Đoàn công tác của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh do Tiến sĩ Đào Ngọc Báu, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quan hệ quốc tế (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy.

Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan trong tỉnh.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc.

Nội dung làm việc là về kết quả triển khai thực hiện trên các lĩnh vực: xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; kinh tế; văn hóa, xã hội, con người; đối ngoại và hội nhập quốc tế; quốc phòng, an ninh; tình hình phát huy nguồn lực của tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Đắk Lắk.

Theo báo cáo tại buổi làm việc, Đảng bộ tỉnh hiện có 20 đảng bộ trực thuộc với 713 tổ chức cơ sở đảng; 13 đảng bộ bộ phận với 85.556 đảng viên. Toàn tỉnh hiện có 7.474 cán bộ, công chức; 710 cán bộ có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ; đại học, cao đẳng có 5.812 đồng chí… Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị quán triệt kịp thời các văn bản hướng dẫn của Trung ương, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện hiệu quả. Đồng thời chỉ đạo, đôn đốc các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, nhân dân triển khai thực hiện đồng bộ đến cơ sở, tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn phát biểu tại buổi làm việc.

Đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội tính từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã thực hiện hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn 2011-2015; 2016 - 2020 và phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn 2021 - 2025 mà tỉnh đã đề ra.

Theo đó, tính đến năm 2022, quy mô nền kinh tế là 58.182 tỷ đồng (tăng 2,1 lần so với năm 2010); thu nhập bình quân đầu người đạt 56,4 triệu đồng (gấp 3,6 lần so với năm 2010); tổng vốn đầu tư vào nền kinh tế giai đoạn 2011-2022 bình quân tăng 12%/năm (năm 2022 cao gấp 4 lần so với năm 2010); thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 9.075 tỷ đồng (cao gấp 2,62 lần so với năm 2011)…

Lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ; các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo, giải quyết việc làm được quan tâm thực hiện; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được tăng cường, giữ vững, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế…

PGS.TS Hoàng Thị Lan, Phó Viện trưởng Viện Tôn giáo và tín ngưỡng (Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) trao đổi tại buổi làm việc.
PGS.TS Hoàng Thị Lan, Phó Viện trưởng Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) trao đổi tại buổi làm việc.

Về việc phát huy nguồn lực của tôn giáo trong phát triển kinh tế- xã hội, hiện nay, toàn tỉnh có 93 cơ sở tín ngưỡng (2 cơ sở được công nhận là di tích quốc gia, 6 cơ sở được công nhận di tích cấp tỉnh, 85 cơ sở chưa được công nhận); toàn tỉnh có 616.005 tín đồ (chiếm 32% dân số); có 844 cơ sở và điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo; có 1.417 chức sắc, nam nữ tu sĩ đang sinh hoạt tại các cơ sở tôn giáo.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.161 đảng viên là người theo tôn giáo; nhiệm kỳ 2021 -2026 toàn tỉnh có 438 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp và có 255 người trúng cử; nhiệm kỳ 2019-2024 có 880 người là chức sắc, chức việc, nhà tu hành tham gia ủy viên ủy ban mặt trận các cấp… Thời gian qua, tín đồ các tôn giáo đã và đang trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội, góp phần chung vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; tích cực tham gia vào công tác an sinh xã hội, nhân đạo, từ thiện, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…

Tiến sĩ Đào Ngọc Báu, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quan hệ quốc tế (Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) phát biểu tại buổi làm việc.
Tiến sĩ Đào Ngọc Báu, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quan hệ quốc tế (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Tiến sĩ Đào Ngọc Báu cảm ơn Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan đã tạo điều kiện về mọi mặt cho Đoàn công tác có buổi làm việc đáp ứng tốt yêu cầu đã đề ra. Đồng thời, đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đắk Lắk trong việc triển khai thực hiện trên các lĩnh vực: xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; kinh tế; văn hóa, xã hội, con người; đối ngoại và hội nhập quốc tế; quốc phòng, an ninh; tình hình phát huy nguồn lực của tôn giáo… Từ những kết quả, thông tin của tỉnh Đắk Lắk cùng với những thông tin khảo sát của các vùng kinh tế - xã hội khác trên toàn quốc, Đoàn công tác sẽ tổng hợp lại và đưa vào báo cáo đề tài nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.