Multimedia Đọc Báo in

Lòng dân là gốc rễ sâu bền

09:05, 28/07/2023

Đặt chân lên Tây Nguyên hùng vĩ, có lúc nào ta tự hỏi, rằng vì sao vùng đất này lại có những ngôi nhà mênh mông đến thế, những chiếc ghế dài đến thế, những dàn cồng chiêng đông đúc đến thế?

Là những ngôi nhà rông, nhà dài, nhà gươl ngợp mắt, những chiếc ghế kpan dài thăm thẳm, những dàn cồng chiêng từ 12 - 20 chiếc lớn nhỏ quây quần bên nhau…

Đơn giản thôi, vì người Tây Nguyên luôn cần có nhau, luôn muốn sát cánh cùng nhau, quây quần bên nhau, từ những lễ hội linh thiêng, những đêm cả làng bên đống lửa ngồi nghe người già kể khan, hơ ri, hơ mon… đến từng sinh hoạt vui buồn đời thường. Mừng bát cơm mới cũng ăn chung. Bến nước, con suối cho đến gốc cổ thụ đầu làng cũng là của chung, không hề manh nha một ham muốn sở hữu cá nhân nào.

Trong các sử thi Tây Nguyên luôn xuất hiện những anh hùng với chiến công phi thường. Nhưng làm sao có được một anh hùng Đăm San, nếu như trong những cuộc chiến đấu của chàng, không có cảnh “dân làng vứt cả cá, cả lưới xuống sông, đi theo Đăm San đông như đàn kiến đàn mối…”? Và ngược lại, Đăm San hết lòng hướng dẫn lũ làng chọn đất phát cây làm nương, bày dân làng bắt cá, săn bắn, chăn nuôi. Chàng còn quả cảm lên tận trời xin giống lúa về cho dân làng trồng trọt để tất cả cùng no ấm, giàu sang. Những người anh hùng tài trí có thể sánh với thần linh, nhưng lại xuất thân từ cộng đồng, gắn bó mật thiết với cộng đồng, là đại diện cho sức mạnh và ý chí của cộng đồng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana. Ảnh: Hoàng Gia

Điều đó cho thấy, cho dù mỗi tộc người Tây Nguyên có những phong tục, tập quán khác nhau, nhưng tinh thần cố kết cộng đồng với mọi người dân nơi đây chỉ là một. Điều đó đã đúc kết thành giá trị, là động lực nuôi dưỡng mạch nguồn văn hóa ngàn đời của đồng bào các dân tộc trên cao nguyên rộng lớn này. Và đó không gì khác, chính là biểu hiện cao nhất của tinh thần đoàn kết, của nghĩa đồng bào, từ thuở sơ khai đã giúp những cộng đồng người bé nhỏ giữa đại ngàn thăm thẳm có thể chiến thắng thiên tai, thú dữ, vượt qua binh đao loạn lạc, ngày càng sinh sôi vững mạnh, để đến được kỷ nguyên tiến bộ, văn minh như ngày nay. Và đã hòa chung vào tinh thần đoàn kết và sức mạnh mới thời đại Hồ Chí Minh.

Ngày 19/4/1946, trong bức thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam được tổ chức tại Pleiku, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “… Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Êđê, Xơ Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt…”.

Ngày 30/11/1968, trong điện gửi đồng bào, chiến sĩ Tây Nguyên, Bác Hồ sau khi khen ngợi quân và dân Tây Nguyên, già, trẻ, gái, trai, Kinh, Thượng đoàn kết vượt mọi khó khăn gian khổ một lòng đánh giặc Mỹ xâm lược thu được những thành tích to lớn, Người đã căn dặn: “Đồng bào và chiến sĩ Tây Nguyên đã đoàn kết càng phải đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, cố gắng không ngừng, phát huy mạnh mẽ thắng lợi đã giành được, luôn luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của địch…”.

Vụ một số đối tượng sử dụng vũ khí, hung khí bất ngờ tấn công vào hai trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur (huyện Cư Kuin) rạng sáng 11/6 vừa qua, sát hại 9 cán bộ xã, chiến sĩ công an xã và người dân, và làm bị thương 3 người khác, một lần nữa nhắc nhở chúng ta bài học về đoàn kết và cảnh giác. Đây được xác định là vụ “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, có sự tham gia và “dàn dựng” của đối tượng thành viên một tổ chức từ hải ngoại xâm nhập về Việt Nam. Như khẳng định của Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk: Trong vụ này có một số người dân ở các địa phương khác bị các tổ chức phản động nước ngoài dụ dỗ, lôi kéo bằng thủ đoạn lợi dụng một số mâu thuẫn nhỏ, bất cập ở địa phương, đồn thổi về việc “không công bằng trong chính sách dân tộc, đất đai gây chia rẽ, mất đoàn kết” để tập hợp lực lượng tiến hành khủng bố.

Tại Hội nghị đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến địa bàn Tây Nguyên, do Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan và 5 tỉnh Tây Nguyên vừa diễn ra mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã nhấn mạnh đến mục tiêu mà Bộ Công an đã đặt ra là “không để sự việc tương tự xảy ra; dù khó khăn đến đâu, thách thức đến đâu cũng phải hoàn thành mục tiêu này”. Đồng chí yêu cầu, lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh Tây Nguyên cần đặc biệt quan tâm đến giải pháp căn cơ nhất là phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề tổ chức thực hiện các chính sách tôn giáo, dân tộc, chăm lo xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm tình hình ở địa bàn, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị tại địa bàn Tây Nguyên. “Phải toàn tâm toàn ý, hết lòng hết sức làm thế nào để đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thoát nghèo bền vững”, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Nhớ lại, trong chuyến thăm đồng bào, chiến sĩ các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, ngày 11/11/2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã về dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk). Tại đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định mọi thành quả có được như hôm nay có một nguyên nhân hết sức quan trọng – đó là tinh thần đoàn kết chặt chẽ. Và các cá nhân riêng lẻ phải được tập hợp lại, tổ chức lại, quần chúng nhân dân trên dưới đồng lòng thì mới có được sức mạnh đoàn kết… Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tâm huyết căn dặn đồng bào và chính quyền: Không được để gia đình và quê hương nghèo đói, thua kém các miền quê khác. Càng không thể để cái đói, cái nghèo làm lu mờ tình yêu đất nước, hay dẫn lối cho những lầm lỡ như quá khứ đã từng phạm phải…

Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, phát huy nội lực cùng phát triển đất nước – đó là đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước, của mọi cấp chính quyền, đoàn thể. Trong đó không thể quên rằng sức mạnh đại đoàn kết luôn được dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các tầng lớp, giai cấp và các thành phần trong xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng việc không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Lòng dân chính là gốc rễ sâu bền nhất của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Chân lý ấy đã được chứng minh qua thực tiễn đấu tranh dựng nước, giữ nước, xây dựng phát triển đất nước, bảo vệ cuộc sống hòa bình. Trong đó có Tây Nguyên, với gần 2,2 triệu người, là địa bàn cư trú của 52/54 dân tộc của cả nước, trong đó có 51 dân tộc thiểu số.

Trần Tuấn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.