Multimedia Đọc Báo in

Trị tham nhũng “vặt”

08:42, 02/07/2023

Rất nhiều kiểu tham nhũng “vặt” không thể chỉ mặt, đặt tên, nhưng hễ nhắc tới thì ai cũng hiểu, cũng lắc đầu ngao ngán, bởi nó len lỏi trong đời sống, thiên biến vạn hóa.

Một cô bạn ở TP. Buôn Ma Thuột mở quán cà phê. Mới đây, cô bạn kể: Quán kinh doanh, đóng thuế đàng hoàng, nhưng lâu nay phải thường xuyên “chung chi” nếu không lực lượng chức năng đi kiểm tra, có thể mất toi mấy bộ bàn ghế liền. Nhiều lúc chưa kịp “chung chi”, có ông gọi điện nhắc khéo “sao lâu nay không thấy em đến thăm tụi anh”. Thậm chí, có ông khi tổ chức đám cưới cho con còn đến tận quán đưa thiệp mời, vậy là không muốn đi cũng phải bỏ phong bì mừng cả tiền triệu.

Ảnh minh họa:
Ảnh minh họa: Ngọc Diệp

Cô cháu gái mở tiệm bánh kem ở TP. Buôn Ma Thuột kể: “Để có giấy chứng nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong khâu sản xuất, tiệm phải tốn chi phí lên đến 15 triệu đồng. Lúc đầu, họ nói đó là lệ phí theo quy định, nhưng khi đóng tiền lại bảo chuyển qua tài khoản, chẳng có hóa đơn, chứng từ gì cả. Vì công việc làm ăn nên tiệm cũng đành chi”.

Xin kể vài câu chuyện “mắt thấy tai nghe” để cho thấy, nạn tham nhũng "vặt" diễn ra muôn hình vạn trạng, từ đòi hỏi “chung chi”, "lót tay" lại quả, đi đêm, vào cửa sau, bắt tay dưới gầm bàn, đến những hành vi trắng trợn như sử dụng của công, tài sản nhà nước vào phục vụ cá nhân, bớt xén chế độ của các đối tượng chính sách, bòn rút quỹ nhân đạo, từ thiện…

Tham nhũng “vặt” chính là hành vi lạm dụng quyền lực được giao, gây khó khăn cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp; nó không chỉ xuất hiện ở các cá nhân mà còn mang tính đồng lõa của số đông, thậm chí có tổ chức.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã nhận định: Tham nhũng “vặt” tưởng nhỏ mà không nhỏ, nếu không quyết liệt đẩy lùi thì hậu quả sẽ nguy hại hơn cả đại dịch trong xã hội, nhất là làm xói mòn niềm tin của người dân. Vì vậy, việc nhìn thẳng vào sự thật và sử dụng các công cụ, bộ máy phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách hiệu quả thì nhất định sẽ nhìn rõ sự thật, tìm ra bằng chứng và có giải pháp xử lý triệt để.

Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch số 78/KH-UBND, ngày 17/5/2023 về thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể và nhân dân nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương xác định rõ trách nhiệm, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm minh hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, từng bước đẩy lùi tham nhũng trên địa bàn tỉnh.

Thực tế, văn bản luật, quy định của Trung ương, địa phương liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã ban hành rất nhiều, với những chế tài chặt chẽ. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là xã hội cần đồng lòng, bộ máy chính quyền kiên quyết và cơ chế, chính sách hợp lý thì mới có thể giải quyết đến nơi đến chốn tình trạng tham nhũng “vặt”.                  

Tường Mạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.