Bước tiến mới trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân”. Việc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” giờ đây không chỉ là phương châm, mục tiêu của Đảng mà còn được luật hóa bằng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đây là bước tiến mới, tạo động lực để phát huy nguồn lực từ nhân dân, khơi dậy sức mạnh toàn dân, góp phần xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa vì dân. Báo Đắk Lắk ghi nhận ý kiến của một số cán bộ và nhân dân chung quanh nội dung này.
♦ Ông Lê Xuân Chiến, Phó Trưởng Phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên, Sở Nội vụ: Thể chế hóa về xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”. Hiến pháp năm 2013 với tinh thần đề cao quyền làm chủ của nhân dân đã ghi nhận các hình thức thực hiện quyền dân chủ như: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”; “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch, trong tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”…
Thể chế hóa chủ trương của Đảng về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện dân chủ ở cơ sở trong thời gian qua đã bộc lộ những bất cập, hạn chế như: quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở còn tản mát ở nhiều văn bản, thiếu tập trung; nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; trách nhiệm bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa cụ thể, thiếu chế tài xử lý; vai trò tham gia và giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đối với việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân chưa được quy định rõ…
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được ban hành đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Đạo luật đã kế thừa, phát triển và hoàn thiện những quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được kiểm nghiệm thực tiễn; sửa đổi những quy định mà qua thực tiễn cho thấy không còn phù hợp, bảo đảm phát huy dân chủ gắn với tăng cường pháp chế, kỷ cương xã hội.
♦ Bà Trần Thị Vân, quyền Chủ tịch UBND xã Ea Kênh (huyện Krông Pắc): Phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" được luật hóa
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ra đời đã xây dựng cơ sở pháp lý và cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ theo Hiến pháp năm 2013; quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây là căn cứ quan trọng để chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu từ cấp xã đến các thôn, buôn trong việc lắng nghe, tiếp thu, giải quyết ý kiến, kiến nghị của người dân. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, chính quyền địa phương đã sớm triển khai lồng ghép tuyên truyền các nội dung mới của luật thông qua các cuộc họp định kỳ của UBND và hoạt động phát động quần chúng tại các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Để luật sớm đi vào cuộc sống, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, chú trọng giải thích, phân tích sâu các quy định liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, giúp người dân nắm bắt, hiểu rõ, tuân thủ đúng quy định pháp luật; chủ động hơn trong việc thể hiện vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong mọi hoạt động ở cơ sở. Đồng thời, tiếp tục phát huy có hiệu quả các hình thức tiếp thu ý kiến công dân thông qua tiếp xúc, đối thoại, khảo sát; công khai số điện thoại người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền; phân công cán bộ xã dự họp cùng các thôn, buôn, cộng đồng dân cư; tiếp tục nhân rộng các mô hình kinh tế giỏi, lan tỏa phong trào thi đua yêu nước; khuyến khích người dân đóng góp ý kiến, chung tay tham gia xây dựng địa phương…
♦ Luật sư Tạ Quang Tòng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk: Phát huy dân chủ đại diện, mở rộng dân chủ trực tiếp
Từ Hiến pháp năm 1946 đến nay, Đảng ta đều thống nhất quan điểm: Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Hiến pháp không chỉ quy định nhân dân là chủ thể của Nhà nước, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà còn quy định phương cách nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước của mình.
Dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện là hai hình thức cơ bản để thực hiện quyền lực của nhân dân, đều có vai trò quan trọng trong nền dân chủ. Trong điều kiện của nước ta hiện nay, điều quan trọng hàng đầu là nâng cao chất lượng chế độ dân chủ đại diện, mở rộng và có cơ chế từng bước thực hiện chế độ dân chủ trực tiếp một cách thiết thực, đúng hướng và có hiệu quả. Đạo luật ra đời là bước tiến mới trong thực hành dân chủ ở cơ sở. Đây là cơ sở pháp lý để phát huy dân chủ đại diện, mở rộng dân chủ trực tiếp. Như Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; tiếp tục nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội; thực hiện hiệu quả phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Thực hiện dân chủ ở cơ sở có vai trò và ý nghĩa to lớn trong đời sống xã hội. Quyền làm chủ của nhân dân chỉ có thể được hiện thực hóa khi chính nhân dân được tạo điều kiện, bảo đảm để thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Việc phát huy dân chủ ở cơ sở cũng chính nhằm mục đích thu hút quần chúng nhân dân vào hoạt động chính trị, xây dựng Đảng, chính quyền và đoàn thể, làm cho người dân có cuộc sống hạnh phúc và tiến bộ.
♦ Bà Trần Thị Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Ama Thuột: Dân chủ trong doanh nghiệp không còn hình thức
Khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực thi hành, được chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến, công ty đã thành lập tổ chức Công đoàn; xây dựng bộ quy tắc dân chủ cơ sở trong doanh nghiệp, tạo sự tin tưởng, bền vững trong quan hệ lao động. Mới đây, lãnh đạo công ty phối hợp với công đoàn cơ sở tổ chức hội nghị người lao động để thông báo kết quả sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023, đưa ra mục tiêu, kế hoạch và giải pháp thực hiện trong thời gian tới; thông báo các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động và những phúc lợi mới. Qua hội nghị đối thoại, công nhân được thoải mái nêu kiến nghị về các chế độ, môi trường làm việc, bữa ăn ca… đều được lãnh đạo công ty ghi nhận, giải quyết kịp thời, mang lại sự hài lòng cho người lao động.
Qua việc nắm bắt và triển khai thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, doanh nghiệp đã hiểu hơn về trách nhiệm trong bảo đảm việc làm, thu nhập, cải thiện các chính sách, điều kiện làm việc cho công nhân. Khi bảo đảm hài hòa về lợi ích cũng như quyền giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ của doanh nghiệp được phát huy, người lao động cũng tích cực lao động sản xuất, trách nhiệm hơn với công việc, không ngừng sáng tạo để nâng cao năng suất lao động.
♦ Ông Dương Ngọc Vang (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột): Phát huy vai trò giám sát của nhân dân
Những năm gần đây, nhân dân ngày càng quan tâm hơn đến hoạt động kiểm tra, giám sát. Hoạt động giám sát của nhân dân được thể hiện dưới nhiều hình thức, từ lao động, sản xuất, học tập, công tác, sinh hoạt hay đối thoại, tham gia các hội nghị do địa phương tổ chức. Chúng tôi đã mạnh dạn hơn trong chia sẻ tâm tư, đề xuất, kiến nghị, đồng thời phát hiện những mặt chưa được trong mọi lĩnh vực đời sống, xã hội, tình hình an ninh trật tự xã hội thông qua các hoạt động giám sát. Tuy nhiên, có những thời điểm, việc thực hiện dân chủ cơ sở còn mang tính hình thức; nhiều tâm tư, nguyện vọng mà bà con vẫn còn ngại, không dám chia sẻ, hoặc chia sẻ nhưng không được giải quyết hợp tình, hợp lý.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023 sẽ càng phát huy hiệu quả hơn quyền làm chủ của nhân dân trên mọi phương diện. Nhân dân được tiếp cận mọi thông tin công khai, nhanh chóng hơn. Đặc biệt, khi việc thực hiện dân chủ ở cơ sở được luật hóa, bà con sẽ càng thêm tin tưởng, mạnh dạn trong thể hiện chính kiến của mình; sẵn sàng kiến nghị, thậm chí đấu tranh, tố cáo các hành vi sai trái, tiêu cực, quan liêu, tham nhũng. Và chúng tôi cũng rất mong mọi sự giám sát, kiểm tra của bà con sẽ được chính quyền địa phương tiếp thu, xử lý triệt để ngay từ cơ sở. Làm được những điều này sẽ góp phần rất lớn trong củng cố, xây dựng niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân.
Nguyễn Gia – Đinh Nga – Duy Tiến – Lê Thành – Song Quỳnh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc