Multimedia Đọc Báo in

Để cán bộ là gốc của công việc (kỳ 3)

06:33, 20/08/2023

Kỳ 3: Cẩm nang từ bài học nêu gương

Một tấm gương sống còn hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, lời dạy ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bài học nằm lòng của mỗi cán bộ, đảng viên để không ngừng tu dưỡng đạo đức, nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Người truyền động lực đổi mới

Từ một doanh nghiệp thương mại, chỉ tập trung mua bán nông sản với mặt hàng chủ lực là cà phê, nhờ việc thay đổi tầm nhìn theo định hướng tăng trưởng xanh, bền vững, hơn 10 năm qua, Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) đã xây dựng được vùng nguyên liệu lên đến hơn 50.000 ha với sự tham gia của khoảng 40.000 nông hộ trong toàn tỉnh.

Năm 2009 có lẽ là mốc thời gian không thể nào quên trong suốt chặng đường gắn bó dưới mái nhà chung Simexco DakLak của ông Nguyễn Tiến Dũng, Bí thư Chi bộ Kế hoạch thuộc Đảng bộ Công ty. Thời điểm ấy, để cụ thể hóa mục tiêu đổi mới sản xuất, kinh doanh mà Nghị quyết Đảng ủy đề ra, Công ty đã thành lập Phòng Phát triển nông nghiệp bền vững mà ông Dũng là nhân lực chủ chốt duy nhất. Mặc dù đã có cơ sở từ chỉ đạo chung của Tỉnh ủy nhưng việc xây dựng vùng sản xuất cà phê tuân thủ theo các chứng nhận của thế giới vẫn còn khá xa lạ với các cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là nông dân. Thực tế ấy đòi hỏi người cán bộ phụ trách lĩnh vực này phải đào sâu nghiên cứu để cụ thể hóa các yêu cầu của các bộ tiêu chuẩn quốc tế như 4C, UTZ, RFA, FLO… sao cho dễ hiểu và dễ áp dụng vào thực tế sản xuất của địa phương. Không chỉ nắm vững chuyên môn, ông Dũng và các cán bộ Phòng Phát triển nông nghiệp bền vững còn học hỏi về cả tập quán, văn hóa vùng miền của từng khu vực sản xuất tiềm năng để thực hiện tốt công tác dân vận qua việc cùng ăn, cùng làm với nông dân.

Ông Nguyễn Tiến Dũng (thứ hai từ phải sang), Bí thư Chi bộ Kế hoạch, Trưởng Phòng Phát triển nông nghiệp bền vững, Simexco DakLak phổ biến quy trình sản xuất, chế biến cà phê đạt chất lượng xuất khẩu cho nông dân tại huyện Krông Năng. Ảnh: M. Quyền

Một trong những yếu tố tạo nên thành công đó là Công ty chủ trương xây dựng quy trình trồng xen canh cà phê với các loại cây trồng phụ, tạo nên hệ sinh thái đa tầng tán không làm ảnh hưởng đến năng suất cà phê nhưng lại tăng nguồn thu cho nông dân. Cũng từ đó, Công ty dần chuyển đổi tư duy sản xuất của nông dân thông qua việc tăng cường ứng dụng các giải pháp hữu cơ và tưới tiết kiệm, cải thiện môi sinh, môi trường của vùng canh tác. Từ những hộ dân tiên phong, các mô hình sản xuất bền vững ngày càng lan tỏa, Simexco DakLak lại tiếp tục thực hiện vai trò “đỡ đầu” cho các tổ chức kinh tế tập thể của nông dân từ tổ sản xuất đến tổ hợp tác, hợp tác xã. Được doanh nghiệp hỗ trợ kết nối đầu vào, đầu ra, đồng hành, hướng dẫn trong việc tổ chức hoạt động, phân chia lợi nhuận bảo đảm quyền lợi của người nông dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác ngày càng phát triển, mở rộng vùng canh tác. Đây cũng là cơ sở quan trọng để công ty đầu tư phát triển sản xuất cà phê đặc sản, nâng cao giá trị hạt cà phê Việt Nam theo yêu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới.

Nói về chặng đường gắn bó với phát triển nông nghiệp bền vững, ông Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ, ông không có bí quyết gì ngoài việc liên tục học tập, tiếp thu các kiến thức mới, yêu cầu mới của thị trường, của xu thế xã hội để vận dụng phù hợp các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và tôn chỉ, mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, với vai trò là người đảng viên, người đứng đầu một tập thể nhỏ nằm trong tập thể lớn, bản thân ông cũng phát huy vai trò nêu gương, truyền động lực đổi mới cho các thế hệ cán bộ, người lao động trẻ tuổi để mỗi cá nhân không ngừng sáng tạo, đoàn kết, thống nhất vì mục tiêu chung là đưa doanh nghiệp của Đảng ngày một phát triển, xứng đáng là trụ cột kinh tế của tỉnh nhà, là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành hàng cà phê cả nước.

Tìm hướng thoát nghèo cho đồng bào vùng đặc biệt khó khăn

Giữa năm 2020, đồng chí Võ Hữu Chút chuyển công tác từ xã Ea Phê vào nhận nhiệm vụ là Bí thư Đảng ủy tại xã vùng III Ea Hiu (huyện Krông Pắc). Mặc dù hai xã có vị trí địa lý khá gần nhau nhưng điều kiện kinh tế - xã hội trái ngược khi xã Ea Hiu có đến hơn 22% hộ nghèo với thu nhập bình quân đầu người chỉ 15,5 triệu đồng/năm. “Để giúp người dân thoát nghèo, nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền không phải là mang đến cho bà con "con cá" hay "chiếc cần câu" mà còn phải tạo môi trường cho họ "nuôi cá", tạo động lực cho họ "bắt cá"”, Bí thư Đảng ủy Võ Hữu Chút bộc bạch.

Để hiện thực hóa mục tiêu giảm từ 5% hộ nghèo mỗi năm như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ V, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền đã tổ chức ngay hội nghị ở từng thôn, buôn để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tất cả ý kiến của bà con đều được Bí thư Võ Hữu Chút cẩn thận ghi chép để tìm hướng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.

Bí thư Đảng ủy xã Ea Hiu Võ Hữu Chút (bìa phải) đến thăm và động viên một hộ nghèo tại buôn Tà Cỡng trong quá trình xây dựng nhà Đại đoàn kết từ nguồn kinh phí do chính ông vận động. Ảnh: Đ. Nga

Nhìn vào điều kiện tự nhiên, trình độ, nhận thức của bà con, trăn trở của người đứng đầu cấp ủy lúc bấy giờ là phải làm sao giải quyết việc làm, tạo ra thu nhập cho người dân. Vì vậy kênh xuất khẩu lao động được chọn là khâu đột phá, các kênh đào tạo nghề, kết nối lao động với doanh nghiệp trong và ngoài huyện cũng được tiến hành song song nhằm mở thêm nhiều cơ hội làm việc cho nhiều thành phần, độ tuổi người lao động. Từ chỗ e dè, lo sợ đi làm xa, nhờ vận động của đồng chí Bí thư Đảng ủy, hàng chục gia đình đã cho con em đi xuất khẩu lao động với thu nhập từ 20 triệu đồng/tháng trở lên. Nhóm lao động tham gia học nghề may công nghiệp thì được tạo việc làm ngay tại các cơ sở may gia công trên địa bàn xã. Các lao động học nghề chăn nuôi thú y thì được chính Bí thư cùng các cán bộ lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền xã trực tiếp đưa đến doanh nghiệp chăn nuôi ở huyện khác và thậm chí sang cả tỉnh Gia Lai để tham quan, tìm hiểu cụ thể về công việc, chế độ đãi ngộ trước khi ký hợp đồng làm việc lâu dài. Với các hộ khó khăn về phương tiện đi lại, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã vận động các doanh nghiệp hỗ trợ 5 xe máy trị giá gần 30 triệu đồng cho các hộ nghèo cam kết làm việc lâu dài, ổn định cho doanh nghiệp trồng chuối tại xã lân cận.

Những nỗ lực đồng bộ, cách làm sáng tạo ấy của hệ thống chính trị xã Ea Hiu với vai trò dẫn dắt đặc biệt của người đứng đầu Đảng ủy đã bước đầu tạo nên “quả ngọt” khi nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội đã khởi sắc rõ nét vào cuối năm 2022. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,58% so với đầu nhiệm kỳ, thu nhập bình quân đầu người đã tăng gần gấp hai lần, lên 31 triệu đồng/người/năm, tư duy, nhận thức người dân đã có chuyển biến vượt bậc. Xã cũng đã giải được nhiều “bài toán” khó của một địa bàn vùng III trong xây dựng nông thôn mới như: mở rộng 100% đường giao thông nông thôn, giải quyết tình trạng lấn chiếm đất công cộng, bảo đảm an ninh trật tự… Bên cạnh đó, Bí thư Đảng ủy xã cũng tích cực vận động các doanh nghiệp và cả chính người thân trong gia đình đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh chung tay hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết. Chỉ riêng trong năm 2022, đã có 4 căn nhà Đại đoàn kết được xây dựng từ nguồn kinh phí do chính Bí thư Đảng ủy xã trực tiếp vận động. Đồng chí Bí thư còn huy động các nhà hảo tâm hỗ trợ thường xuyên hằng tháng cho 10 gia đình người già neo đơn, người tàn tật trên địa bàn xã.

Bí thư Đảng ủy Võ Hữu Chút cùng tập thể cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đây nêu cao ý chí quyết tâm với mục tiêu chung là đưa xã Ea Hiu đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2024.

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Mạnh Quyền - Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.