Multimedia Đọc Báo in

Để cán bộ là gốc của công việc (kỳ 4)

08:13, 21/08/2023

Kỳ cuối: Cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Cùng với xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng xác định “có cơ chế bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ đang từng bước được cụ thể hóa để đội ngũ cán bộ thực sự là “gốc của mọi công việc”.

Dám nghĩ, dám làm phải vì lợi ích chung

Cụ thể hóa quan điểm của Đảng nêu trong văn kiện Đại hội XIII, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để xác định chính xác giữa dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo với cố ý làm trái bởi theo PGS.TS.  Lê Văn Đính, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực III, đây thực sự là một lằn ranh mong manh. Nguyên tắc trong hoạt động công vụ là cán bộ, công chức chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép. Mục đích của việc khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm chính là giải quyết những “điểm nghẽn”, “nút thắt”, những vấn đề chưa có quy định hoặc có quy định nhưng còn chồng chéo, mâu thuẫn. Vậy việc dám nghĩ, dám làm của cán bộ, công chức phải được xác định trên cơ sở nền tảng khoa học, nằm trong khuôn khổ pháp lý, đạo lý, có tính khả thi vì lợi ích chung, được cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị phê duyệt, ủng hộ, tạo điều kiện để triển khai hoặc thực hiện thí điểm. Có như vậy, khi kết quả không đạt hoặc chỉ đạt một phần, thậm chí là xảy ra thiệt hại, cán bộ sẽ được cấp ủy, cơ quan, đơn vị bảo vệ trước trách nhiệm pháp lý.

Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh (bìa phải) lắng nghe ý kiến người dân liên quan đến việc xác định nguồn gốc đất đai tại xã Hòa Tiến. Ảnh: Đ. Nga

Thực tế tại tỉnh Đắk Lắk cho thấy, thời gian qua, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, các địa phương đã có nhiều cách làm sáng tạo, vì lợi ích chung, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (gọi tắt là Dự án) là một ví dụ. Ngay khi nhận nhiệm vụ đầy khó khăn này, Huyện ủy Krông Pắc đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo công tác bồi thường, GPMB tái định cư Dự án, huy động cán bộ, công chức chung tay thực hiện. Tổng chiều dài tuyến cao tốc qua địa bàn huyện Krông Pắc hơn 33 km, dài nhất trong tất cả các huyện có Dự án đi qua, với 4 nút giao ở các khu vực đông dân cư và GPMB ở nhiều diện tích có cây sầu riêng, loại cây trồng đang có giá trị cao. Trên cơ sở chỉ đạo và quyết tâm chung của Ban Chỉ đạo huyện, vừa bảo đảm bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, vừa bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, không để xảy ra tranh chấp, khiếu kiện, các cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ đã có cách làm mềm dẻo, sáng tạo trong khuôn khổ cho phép.

 

Để cụ thể hóa quyết tâm chính trị của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ và giải quyết tình trạng cán bộ né tránh trách nhiệm, không dám làm, Bộ Nội vụ đang hoàn thiện dự thảo Nghị định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm trình Chính phủ ban hành (dự kiến trong tháng 8 năm 2023). Khi nghị định này được ban hành thì chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ được thể chế hóa. Cán bộ được bảo vệ bằng pháp luật sẽ thực sự yên tâm, thoải mái, có cơ chế để sáng tạo, đột phá, dám làm và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Minh chứng là việc Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án qua địa bàn huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh đã trực tiếp làm việc với đơn vị thi công, đề nghị tạo điều kiện để người dân xã Ea Kênh và Ea Yông giữ lại cây sầu riêng thêm 30 - 40 ngày mới thực hiện bàn giao mặt bằng. Bởi qua khảo sát, bà Ngô Thị Minh Trinh nhận thấy việc người dân hai xã trên chần chừ chưa muốn nhận tiền bồi thường là do sầu riêng đã gần đến kỳ thu hoạch, nếu để thêm ít tuần nữa thì mỗi hộ không bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Chính quyết định từ sự thấu cảm ấy đã gỡ nút thắt quan trọng trong công tác giải phóng mặt bằng cũng như ổn định tình hình an ninh trật tự. Các hộ dân có sầu riêng chờ thu hoạch không chỉ hồ hởi nhận tiền đền bù, hỗ trợ mà còn chủ động chặt bỏ tất cả các loại cây trồng khác trên đất, sẵn sàng bàn giao mặt bằng ngay sau khi thu hoạch xong sầu riêng.

Để tạo nên không khí thi đua sôi nổi, UBND huyện Krông Pắc còn khen thưởng các hộ dân chấp hành tốt việc bàn giao mặt bằng. Phần thưởng tuy không lớn nhưng việc được UBND huyện tặng Giấy khen, được lãnh đạo huyện ghi nhận và biểu dương, người dân cảm thấy hãnh diện, tự hào khi được đóng góp một phần công sức để xây dựng tuyến cao tốc đầu tiên của cả vùng Tây Nguyên. Cách làm này của chính quyền địa phương đã tạo hiệu ứng tích cực, nhiều vùng người dân đã chủ động bàn giao mặt bằng ngay cả khi vẫn chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ.

Thể chế hóa để bảo vệ cán bộ

Theo nhận định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Hội nghị kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII mới đây, bên cạnh số cán bộ xông xáo, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thử thách, nỗ lực vì tập thể, vì lợi ích chung thì vẫn còn một bộ phận cán bộ có tư tưởng chờ sự chỉ đạo chứ không tìm cách đổi mới vì sợ trách nhiệm. Vì vậy, việc khuyến khích và bảo vệ để cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung rất quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện M'Drắk tìm hiểu mô hình tưới nước tiết kiệm của nông dân trên địa bàn xã Ea Pil. Ảnh: M. Quyền

Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị được ví như “luồng gió mới”, tác động tích cực đến tâm lý xã hội và tạo niềm tin, khát vọng, ý chí phấn đấu, vượt khó, sáng tạo cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, để chủ trương này sớm đi vào cuộc sống, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần sớm hoàn thiện, ban hành cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ. Chia sẻ về điều này, PGS.TS. Lê Văn Đính cho rằng, từ chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ của Đảng, cần có cơ chế cho phép cơ quan có thẩm quyền cho chủ trương hoặc ban hành nghị quyết đối với kế hoạch đổi mới, sáng tạo của cán bộ. Đây chính là “sự bảo lãnh chính trị” đối với kế hoạch đổi mới, sáng tạo của cán bộ. Có như vậy thì khi có rủi ro, thiệt hại, cán bộ đó không phải chịu trách nhiệm nếu thực hiện đúng kế hoạch được duyệt, không có động cơ xấu, không tham nhũng, tiêu cực. Trường hợp cán bộ cố tình không làm đúng hoặc vượt quá kế hoạch được duyệt thì phải tự chịu trách nhiệm. Bản thân cán bộ cũng phải có quyết tâm cao, kiên trì thực hiện đến cùng những kế hoạch, ý tưởng sáng tạo của mình. Đồng thời, cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện sai sót, chệch hướng để cảnh báo rủi ro, uốn nắn, điều chỉnh.

Còn theo Phó Bí thư Tỉnh ủy Y Biêr Niê, mặc dù Trung ương, tỉnh đều đã ban hành kết luận, công văn chỉ đạo thực hiện việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ nhưng có thể thấy, cơ chế hiện nay chưa được cụ thể, nhiều chính sách không thể quy định chi tiết, trong khi đó, trình độ của cán bộ, cách hiểu và thực hiện khác nhau. Vì vậy, những đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng thì mới có cơ sở để bảo vệ cán bộ. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục tình trạng “vênh” nhau giữa các luật. Có như vậy cán bộ mới yên tâm đổi mới, sáng tạo.

Mạnh Quyền - Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.