Multimedia Đọc Báo in

Thường trực HĐND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 7/2023

16:16, 02/08/2023

Sáng 2/8, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Phiên họp thường kỳ tháng 7/2023. Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Chiến Hòa và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng đồng chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp còn có Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lê Thị Thanh Xuân; đại diện Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; cùng các đồng chí trong Thường trực HĐND tỉnh.

Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Chiến Hòa và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng đồng chủ trì phiên họp.
Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Chiến Hòa và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng đồng chủ trì phiên họp.

Theo báo cáo đánh giá tại phiên họp, trong tháng 7, Thường trực HĐND tỉnh đã triển khai và thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đề ra và các nội dung chỉ đạo của Đảng đoàn HĐND tỉnh; tổ chức thành công Kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh khóa X, thông qua 16 nghị quyết và tiến hành phiên giám sát chuyên đề, thông qua Nghị quyết kết quả giám sát với 100% đại biểu thống nhất.

Công tác chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của các Ban HĐND và hoạt động giám sát, khảo sát được tích cực đẩy mạnh. Trong công tác giám sát thường xuyên, Thường trực HĐND tỉnh đã phân công các Ban của HĐND tỉnh xem xét các báo cáo của các cơ quan chức năng; xem xét việc ban hành hai văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh về tình hình chấp hành pháp luật và thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh…

Đại biểu tham dự phiên họp.
Đại biểu tham dự phiên họp.

Thường trực HĐND tỉnh đã duy trì mối quan hệ phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND tỉnh với UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan hữu quan.

Việc tiếp nhận, xử lý đơn thư của công dân gửi đến Thường trực HĐND tỉnh và công tác tiếp công dân định kỳ, tiếp xúc cử tri được duy trì, đảm bảo đầy đủ, đúng quy định. Trong tháng 7 đã tiếp nhận 33 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Qua phân loại, Thường trực HĐND tỉnh đã chuyển 3 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết; lưu và phản hồi 30 đơn không đủ điều kiện xử lý.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Thị Thanh Xuân đóng góp ý kiến thảo luận.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Thị Thanh Xuân đóng góp ý kiến một số nội dung liên quan.

Tại phiên họp, trên cơ sở ý kiến phát biểu, thảo luận của các đại biểu tham dự, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm thời gian tới: Tiếp tục phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh khóa X; tổ chức giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất không triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh”; xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; xây dựng kế hoạch lấy phiến tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8.

Bên cạnh đó, chỉ đạo rà soát, tổng hợp kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND để báo cáo Thường trực HĐND tỉnh; tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 418/KH-HĐND của Thường trực HĐND tỉnh về tổ chức phiên giải trình của Thường trực HĐND trong năm 2023 theo đúng lộ trình và thời gian quy định.

Cùng với đó, duy trì các cuộc họp định kỳ, đột xuất của Thường trực HĐND tỉnh; xem xét, cho ý kiến một số nội dung theo đề xuất của UBND tỉnh; tổ chức, thực hiện việc tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý kịp thời đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân và tổ chức gửi đến Thường trực HĐND tỉnh; đồng thời đôn đốc đối với nội dung đơn do Thường trực HĐND tỉnh chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo đúng thời gian quy định…

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.