Multimedia Đọc Báo in

Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk:

Tiếp tục xây dựng nhà trường thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu lý luận

08:21, 18/08/2023

Cách đây tròn 60 năm, Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk được thành lập tại căn cứ cách mạng Cư Jŭ phía Bắc của tỉnh.

Chặng đường 60 năm qua, trải qua các giai đoạn lịch sử với những mô hình tổ chức, tên gọi khác nhau, các thế hệ cán bộ, giảng viên và học viên nhà trường luôn nỗ lực vượt khó, miệt mài giảng dạy, hăng say học tập, lao động, từng bước xây dựng Trường Chính trị tỉnh là một trong những trung tâm đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, quản lý nhà nước cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh.

Hiện nay, Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk có 5 phòng, khoa với tổng số 51 cán bộ, viên chức, nhân viên; trong đó có 5 tiến sĩ, 1 nghiên cứu sinh, 30 thạc sĩ, 7 cử nhân và 8 trung cấp; có 27 người có trình độ cao cấp lý luận chính trị - hành chính, lý luận chính trị và tương đương; 11 người có trình độ trung cấp lý luận chính trị, chính trị - hành chính. Về ngạch giảng viên, có 2 giảng viên cao cấp, 18 giảng viên chính và 13 giảng viên; có 36/36 giảng viên có trình độ sau đại học, đạt 100%; 100% giảng viên được bồi dưỡng phương pháp dạy học tích cực, trên 80% giảng viên được bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cơ sở vật chất của trường được quan tâm đầu tư, phục vụ ngày càng tốt hơn công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học. Công tác xây dựng Đảng, đoàn thể, xây dựng văn hóa trường Đảng có nhiều đổi mới.

Hội thảo khoa học "Nâng cao năng lực tư duy lý luận của đội ngũ cán bộ thuộc diện cán bộ Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý tại tỉnh Đắk Lắk hiện nay" do Trường Chính trị tỉnh tổ chức tháng 6/2023.

Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tính đến nay, Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk đã đào tạo, bồi dưỡng hàng chục vạn cán bộ cho hệ thống chính trị của tỉnh, trong đó nhiều đồng chí đã giữ vị trí chủ chốt từ cơ sở đến cấp tỉnh. Những cán bộ do nhà trường đào tạo, bồi dưỡng đã và đang công tác, phát huy tốt vai trò của mình trong cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội trên toàn tỉnh. Chỉ tính riêng giai đoạn 10 năm (2010 - 2020), trường đã đào tạo và liên kết đào tạo 141 lớp, với 10.259 lượt người; bồi dưỡng 136 lớp, với 13.734 lượt người, trong đó: cán bộ cấp tỉnh 4.038 người; cán bộ cấp huyện 6.041 người; cán bộ cấp xã 13.642 lượt người. Qua đó đã góp phần thực hiện mục tiêu chuẩn hóa trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, chức danh, kỹ năng và đạo đức công vụ gắn với quá trình hội nhập quốc tế cho đội ngũ cán bộ hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh việc làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhà trường còn tổ chức thực hiện tốt công tác nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn, đóng góp thiết thực cho việc hoạch định chủ trương, chính sách của địa phương.

Với những thành tựu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu, Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua cao quý: Tập thể nhà trường được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1997, hạng Nhì năm 2007, hạng Nhất năm 2014. Cùng với nhà trường, nhiều tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Chính phủ, Học viện Chính trị quốc gia; của Tỉnh ủy, UBND tỉnh...

Trường Chính trị tỉnh tọa đàm 60 năm thành lập.

Kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang và những bài học kinh nghiệm quý báu trong 60 năm qua, thời gian tới nhà trường tiếp tục bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền tải toàn diện các nội dung đến cán bộ, giảng viên và học viên, nhất là những nội dung, mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk khóa XVII và các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề của Trung ương, đặc biệt Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới.

Cùng với đó, trường đẩy mạnh đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập; đổi mới công tác tuyển sinh, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập. Phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo của học viên trong học tập và nghiên cứu; gắn học tập kiến thức lý luận cơ bản với kiến thức và năng lực thực hành nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đoàn thể.

Giáo viên Trường Chính trị tỉnh tham gia Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn. Đặc biệt là tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận, tập trung làm sáng tỏ những vấn đề do thực tiễn đặt ra, kịp thời dự báo, cung cấp, bổ sung những luận cứ khoa học để đấu tranh phản bác những quan điểm thù địch và luận điệu sai trái; phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của nhà trường.

Tăng cường đầu tư kinh phí cho sự nghiệp đào tạo và cơ sở vật chất phục vụ dạy - học theo hướng hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng trường đạt chuẩn.

TS. Đỗ Văn Dương

Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.