Multimedia Đọc Báo in

Để nhất thể hóa thực sự hiệu quả (kỳ 1)

20:01, 27/09/2023

Nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã là một chủ trương thí điểm có tính đột phá của Đảng được Bộ Chính trị chỉ đạo triển khai. Chủ trương này đã được tỉnh Đắk Lắk thực hiện thí điểm từ năm 2009. Tuy nhiên, sau 14 năm thực hiện, việc nhất thể hóa đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, đòi hỏi cần có có cơ chế, chính sách, mô hình phù hợp.

Kỳ 1: Lợi ích kép mà khó khăn cũng nhân đôi  

Việc thực hiện thí điểm mô hình nhất thể hóa bước đầu đã tạo ra một số đột phá trong phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Tuy nhiên, sau thời gian dài thực hiện thí điểm, một số địa phương không thực sự “mặn mà” với mô hình này, thậm chí là xin thôi không triển khai nữa.

Phương thức lãnh đạo được đổi mới

Thực hiện Kế hoạch số 63 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, toàn tỉnh có 5 địa phương gồm: xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột), thị trấn Ea Kar (huyện Ea Kar), xã Ea Lê (huyện Ea Súp), thị trấn Krông Kmar (huyện Krông Bông) và xã Krông Jing (huyện M’Drắk) đã triển khai mô hình nhất thể hóa bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã. Sau khi đánh giá sơ bộ hiệu quả mô hình, trong nhiệm kỳ 2015-2020, toàn tỉnh đã có thêm 19 xã, phường, thị trấn thí điểm mở rộng nhất thể hóa.

gfgf
Thương hiệu "Gạo Ea Lê" là dấu ấn từ chủ trương chuyển đổi cây trồng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea Lê Nguyễn Văn Hoa.

Theo đánh giá của ban thường vụ các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, mô hình nhất thể hóa đã tạo sự đổi mới và nâng cao phương thức lãnh đạo của cấp ủy ở cơ sở. Tại các xã sau khi thực hiện nhất thể hóa cho thấy bước đầu giúp đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy; có sự đồng bộ trong việc ban hành nghị quyết của Đảng, triển khai thực hiện và thực thi pháp luật của chính quyền.

Đơn cử như xã Ea Lê (huyện Ea Súp) là 1 trong 5 xã, thị trấn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy lựa chọn thực hiện thí điểm nhất thể hóa từ năm 2009 theo Kế hoạch số 63 và vẫn tiếp tục duy trì mô hình này trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí Nguyễn Văn Hoa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea Lê chia sẻ: Với chủ trương nhất thể hóa, quyền lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tăng lên nhưng trách nhiệm cũng tăng gấp bội. Công việc cần xử lý, giải quyết nhiều hơn nhưng cũng phát huy được sự năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm, quyết đoán của người đứng đầu theo phương châm “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.

bvb
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea Lê (huyện Ea Súp) Nguyễn Văn Hoa nêu ý kiến tại Hội nghị tổng kết việc thực hiện thí điểm đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức năm 2022. 

Để xử lý hài hòa công việc của Đảng và chính quyền, đồng chí Nguyễn Văn Hoa đã tham vấn ý kiến của lãnh đạo huyện, tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ xã để cùng “vạch” ra những đầu công việc quan trọng, phải làm ngay, phù hợp với từng giai đoạn và tình hình thực tế của địa phương. Tổ chức cơ sở đảng được củng cố, tăng cường đã phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện hiệu quả nghị quyết của Đảng ủy về phát triển lúa gạo và xây dựng thương hiệu “Gạo Ea Lê”.

Đảng ủy, UBND xã cũng chú trọng chỉ đạo, thực hiện các hoạt động xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào xã nhằm giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Thực tế tại xã Ea Lê cho thấy, người trực tiếp tiếp thu các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy cấp trên, định hướng thảo luận, xây dựng nghị quyết, đồng thời cũng là người trực tiếp chỉ đạo chính quyền triển khai thực hiện đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Tỉnh hình kinh tế - xã hội của xã Ea Lê có sự chuyển biến đáng kể, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 5%/năm so với nghị quyết, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, Đảng bộ xã nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh và trong sạch vững mạnh tiêu biểu.

“Lệch vai”, vi phạm nguyên tắc

Thực tế cho thấy, do đây là mô hình thí điểm, chưa có quy chế làm việc mẫu nên ở một số nơi, người đứng đầu đôi khi bị “nhầm vai” hoặc “lệch vai”, thường dành nhiều thời gian cho công tác chính quyền, ít đầu tư công sức, thời gian cho công tác Đảng.

Tại thị xã Buôn Hồ, để triển khai thực hiện chủ trương thí điểm nhất thể hóa, Ban Thường vụ Thị ủy đã quyết định chọn xã Cư Bao và phường Bình Tân để triển khai mô hình từ cuối năm 2018. Sau đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Thị ủy đã thống nhất xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện nhân rộng mô hình tại 4 xã, phường gồm: Thiện An, Đoàn Kết, An Bình và Ea Drông.

nvb
Người dân xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) tập trung phát triển cà phê bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. 

Bí thư Thị ủy Buôn Hồ Nguyễn Thị Thu Nguyệt thẳng thắng nhìn nhận, tại những địa phương thực hiện thí điểm nhất thể hóa, một số đồng chí chưa phân định rõ “vai” nên đã có những sai sót, vi phạm trong công tác lãnh đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ. Trong 6 xã, phường thực hiện mô hình thì đã có 3/6 tập thể ban thường vụ đảng ủy được Ban Thường vụ Thị ủy giới thiệu kiểm điểm về vai trò, trách nhiệm lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương; 4/6 đồng chí bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, phường phải tiến hành kiểm điểm rút kinh nghiệm về trách nhiệm lãnh đạo trong thực hiện một số nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Còn tại huyện Krông Pắc hiện có 4 xã thực hiện thí điểm mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã gồm: Hòa Đông, Krông Búk, Tân Tiến (thực hiện từ năm 2015) và Ea Kuăng (thực hiện từ năm 2020). 

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Krông Pắc Trần Quốc Vĩnh cho biết, trong thời gian triển khai thí điểm mô hình, cả 4 xã điều được Ban Thường vụ Huyện ủy giới thiệu nội dung kiểm điểm đối với tập thể ban chấp hành, ban thường vụ và cá nhân người đứng đầu cấp xã. Qua đó, có 1 tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ xã được xếp loại hoàn thành nhiệm vụ năm 2022; có 1 đồng chí trong thời gian giữ chức vụ đã có nhiều hạn chế, khuyết điểm được Ban Thường vụ Huyện ủy cho thôi tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ xã, bố trí công tác khác và Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho thôi tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; có 1 đồng chí trong thời gian giữ chức vụ nhiều lần có đơn thư khiếu nại, tố cáo đối với cá nhân, đã tự nguyện xin nghỉ công tác và được Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất.

Xin dừng thí điểm

Đến nay, toàn tỉnh còn 17 xã, phường, thị trấn đang thực hiện mô hình nhất thể hóa; có 7 đơn vị đã dừng nhất thể hóa gồm: xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột), thị trấn Krông Kmar (huyện Krông Bông), xã Krông Jing (huyện M’Drăk), xã Phú Lộc (huyện Krông Năng), xã Ea Tih (huyện Ea H’leo), xã Ea Hu (huyện Cư Kuin) và xã Dray Sáp (huyện Krông Ana). Một số địa phương cũng đã có tờ trình xin thôi thực hiện mô hình.

Khi được chọn thực hiện thí điểm mô hình nhất thể hóa từ tháng 6/2019, cơ cấu tổ chức trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) được sắp xếp lại. Theo đó, đồng chí bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, 1 đồng chí phó bí thư thường trực kiêm chủ tịch HĐND xã, 1 đồng chí phó bí thư kiêm chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Buôn Đôn H’Bel Niê, việc nhất thể hóa cũng chưa thực sự đem lại sự tinh gọn trong tổ chức bộ máy của ban thường vụ đảng ủy. Khối lượng công việc của đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã khá nặng nề, thời gian bị chi phối, gây khó khăn cho việc hoàn thành nhiệm vụ.

Hơn nữa, hoạt động giám sát của HĐND có phần hạn chế, hiệu lực, hiệu quả không cao vì người đứng đầu UBND cũng là người đứng đầu cấp ủy, trong khi đó, đồng chí chủ tịch HĐND xã chỉ là phó bí thư đảng ủy. Thêm vào đó, người đang thực hiện “hai vai” là cán bộ từ các phòng, ban của huyện được tăng cường cho cơ sở, sau khi hết thời gian luân chuyển, điều động sẽ khó tìm nguồn cán bộ tại chỗ bảo đảm đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định để đảm nhận chức danh này. Vì vậy, sau khi tiến hành tổng kết, đánh giá mô hình, Ban Thường vụ Huyện ủy Buôn Đôn đã có tờ trình gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin chủ trương thôi không thực hiện thí điểm nhất thể hóa tại xã Ea Wer.

nvbn
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột) Nguyễn Đình Ninh (bìa trái) hướng dẫn người dân tìm hiểu các thủ tục hành chính được niên yết tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND phường Tân Tiến. 

Đối với thành phố Buôn Ma Thuột, sau hơn 5 năm thực hiện chủ trương nhất thể hóa tại xã Ea Tu (từ năm 2009), đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Thường vụ Thành ủy đã chủ động xin chủ trương nhân rộng mô hình này tại phường Tân Tiến. Tuy nhiên, đến nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất không tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình này tại xã Ea Tu với lý do khối lượng công việc hành chính và công tác Đảng của xã nhiều, đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch UBND xã đương nhiệm không còn đủ tuổi để tiếp tục tái cử, chưa có nguồn tại chỗ để thay thế. Ban Thường vụ Thành ủy đã xin ý kiến và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chuyển việc thực hiện thí điểm chủ trương này sang phường Tân Lập.

 (Còn nữa)

Kỳ 2: Cần mô hình, cơ chế phù hợp

Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.