Multimedia Đọc Báo in

Tết Độc lập trên rẻo cao Tây Bắc…

15:06, 25/09/2023

Với đồng bào Mông vùng Tây Bắc, Tết Độc lập là cái tết lớn nhất, dù rằng ngoài Tết Độc lập, bà con vẫn có Tết riêng của dân tộc mình.

Người Mông trước đây còn gọi là người Mèo (từ gốc “Miêu tộc”). Để hiểu vì sao người Mông lại ăn Tết Độc lập to đến thế, hãy dừng chân trong một lần dự hội và nghe tiếng hát của cô gái Mông vút cao hòa cùng tiếng khèn Mông lảnh lót vang lên: “Đây sườn núi lưng đèo người Mèo ca hát/ Sao còn sáng trên trời người Mèo ơn Đảng/ Bao đời nay sống nghèo lam lũ/ Nay cuộc sống dân Mèo từ đây sáng rồi/ Nhớ ơn Đảng đưa tới, ta từ nay ấm no/ Không bỏ rẫy đốt nhà, mà lang thang nghèo suốt đời/ Từ nay dân Mèo sống chung/ Bản Mèo vui trong tiếng khèn/ Người Mèo ơn Đảng suốt đời…”. Có thể nói ca khúc “Người Mèo ơn Đảng” đủ nói lên phần nào lý do người Mông ăn Tết Độc lập to như vậy, bởi dịp hội này là nơi người Mông bày tỏ niềm biết ơn về cuộc sống mới sau những đêm dài tăm tối.

Rẻo cao Mù Cang Chải với những thửa ruộng bậc thang đẹp mê hồn.

Trong một lần cùng bà con dân tộc Mông ở Mù Cang Chải ăn Tết Độc lập, tôi cảm nhận và thấm thía niềm biết ơn sâu sắc này. Mù Cang Chải là huyện ở phía tây tỉnh Yên Bái, tỷ lệ người Mông chiếm đến 92% dân số. Tầm vài chục năm trước, để đi được từ tỉnh lỵ Yên Bái lên Mù Cang Chải chỉ 200 km nhưng khó mà tính được thời gian của hành trình. Đường chưa được mở rộng, nhiều khe suối chưa có cầu, phải qua ngầm tràn, lên Mù Cang Chải gặp mưa lũ thì nằm ngủ giữa đường là chuyện thường ngày. Chính vì thế mà những năm 1950 - 1960 để lên được đây, nỗi gian khó làm sao kể xiết?

Không chỉ ở khu vực Lai Châu, Yên Bái, đường lên Lào Cai, Hà Giang còn khó khăn gấp bội. Nhạc sĩ Thanh Phúc, người sáng tác bản nhạc “Người Mèo ơn Đảng” đã từng kể rằng trong suốt thời kỳ chống Pháp, ông là đội viên Đội Tuyên Văn (tuyên truyền/văn nghệ) Trung đoàn 165, hoạt động trên địa bàn Lào Cai, Hà Giang và Yên Bái. Khi có mặt ở những bản làng heo hút nhất của người Mông, cùng ăn mèn mén, cùng uống rượu ngô, chung cảnh thiếu cơm thiếu áo của đồng bào, nỗi nghèo khó và lam lũ của người Mông trở nên ám ảnh cả một chặng đời ông. Ca khúc “Người Mèo ơn Đảng” ra đời như nói hộ nỗi lòng đồng bào nơi sơn cước, không chỉ là bà con người Mông.

Và dịp đón Tết Độc lập, những váy áo đẹp nhất, những lời ca tiếng hát hay nhất, những món ăn thức uống ngon nhất… sẽ theo người Mông xuống chợ, xuống những mái đồi thảo nguyên, xuống quảng trường huyện lỵ… Rồi tất cả hòa vào cái không khí vừa sôi động vừa thân ái, vừa náo nhiệt vừa tình cảm. Tết Độc lập bắt đầu từ ngày 30, 31/8 và có năm kéo dài đến ngày 3, 4/9, thông thường đêm 1/9 trước chính lễ Quốc khánh được coi như đêm “giao thừa” trong Tết cổ truyền. Ở những khu chợ vùng cao quây quần bên nồi thắng cố, những người đàn ông Mông vui cùng bát rượu ngô, những bước chân lâng lâng sau men rượu hòa cùng nhịp khèn, những bài hát của người Mông lại vang lên giao hòa chung chiêng giữa đất trời mây núi mà hiếm nơi nào có được cái không khí đó. Không khí mừng Tết Độc lập lan sự khắp vùng, không chỉ người Mông mà cả Thái, Tày Nùng, Dao, Lô Lô, Hà Nhì…

Tiết mục múa khèn Mông của các em học sinh.

Mới đầu tháng 8, Mù Cang Chải vừa chịu một trận lũ ống lũ quét gây thiệt hại nặng nề cho mấy xã, thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng chỉ hơn hai tuần sau, bà con đã nỗ lực dọn dẹp, dựng lại nhà, sửa lại trường cho con em kịp vào năm học mới và cùng với cộng đồng đón Tết Độc lập 2/9. Trên những con đường qua suối, qua nương còn hằn dấu của thiên tai nhưng bà con vẫn nô nức ra chợ thị trấn huyện lỵ để chung vui.

Ông Trịnh Thế Bình, Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Mù Cang Chải cho biết, đã có gần hai vạn bà con và du khách đến với Mù Cang Chải trong dịp Tết Độc lập này để tham dự chương trình nghệ thuật chào mừng Tết Độc lập tại sân tiểu khuôn viên thị trấn Mù Cang Chải với chủ đề “Rạng rỡ quê hương”, chương trình biểu diễn “Người Mông xuống phố”.

Đông đảo bà con từ các bản làng nô nức về đây tham gia các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian, háo hức với những màn trình diễn trang phục các dân tộc, những nhóm phụ nữ tham gia thi vẽ hoa văn trên vải bằng sáp ong, những thanh niên thi gặt nhanh, cày giỏi, đắp bờ đẹp…

Và chỉ ngắm gương mặt của cả vạn người dân vui chơi Tết Độc lập trong dịp Quốc khánh vừa qua ở đây mới hiểu thêm rằng khi tin yêu được gầy dựng lên từ sâu thẳm trái tim thì niềm tin ấy sẽ là nguồn động lực cho bà con biết vượt qua khó khăn, thử thách để trọn niềm tin theo Đảng, không chỉ trong lời hát ngân nga bay trên những đồi nương trập trùng mây trắng…

An Du


Ý kiến bạn đọc