Trả lời kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (1)
LTS: Những nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk trong các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã được các bộ, ban, ngành Trung ương; sở, ngành, địa phương liên quan của tỉnh xem xét, giải quyết. Báo Đắk Lắk xin giới thiệu trích lược nội dung trả lời kiến nghị của cử tri.
I. Các bộ, ban, ngành Trung ương trả lời
1. Cử tri kiến nghị xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với đội ngũ giáo viên nữ, đặc biệt là giáo viên bậc mầm non, tiểu học. Vì hiện nay, các giáo viên lớn tuổi gặp khó khăn trong việc áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, tham gia nhiều hoạt động thể chất…
Bộ GD-ĐT trả lời: Bộ luật Lao động đã quy định người lao động đảm bảo điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) theo quy định của pháp luật về BHXH thì được hưởng lương hưu; những người lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định. Giáo viên mầm non, tiểu học cũng như viên chức và người lao động thực hiện theo quy định này.
Hiện nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang nghiên cứu, xây dựng Thông tư ban hành danh mục bổ sung nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Trên cơ sở đặc thù của ngành học mầm non, Bộ GD-ĐT đã có ý kiến đề nghị Bộ LĐ-TB&XH bổ sung vào danh mục đối với giáo viên mầm non để có căn cứ đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non so với quy định.
Một tiết học của cô và trò Trường Mầm non tư thục Thành Công, xã Băng Adrênh (huyện Krông Ana). |
2. Cử tri kiến nghị: Hiện nay, mức tiền công, tiền lương, thu nhập của công nhân lao động còn thấp, trong khi giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng cao, chi phí sinh hoạt, chăm sóc con cái khá lớn, vì vậy công nhân lao động không có tích lũy để có thể mua đất làm nhà ở. Đề nghị xem xét có chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ bán trả góp hoặc cho công nhân lao động vay vốn ưu đãi lãi suất thấp để mua nhà ở nhằm ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất.
Bộ Xây dựng trả lời: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân. Tính đến tháng 3/2023, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, với tổng diện tích hơn 9.950.000 m2; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn, với tổng diện tích khoảng 14.425.000 m2.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả, nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chính là do thiếu quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, vướng mắc trong thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; thiếu nguồn vốn ưu đãi, cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa thực chất, chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp; thủ tục đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn phức tạp, kéo dài…, một số tổ chức, cá nhân chưa tuân thủ quy định pháp luật về nhà ở xã hội do các chế tài xử lý còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh.
Hiện nay, Chính phủ đang tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Trong đó đề xuất sửa đổi các chính sách liên quan đến: quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội; lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua, bán; xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội… nhằm khuyến khích, đẩy mạnh đầu tư, phát triển nhà ở xã hội.
Về nguồn vốn hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, hiện nay có 3 chương trình tín dụng hỗ trợ người mua, thuê mua nhà ở xã hội: hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội; gói vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; hỗ trợ nguồn vốn thực hiện mục tiêu của Đề án 1 triệu căn hộ, thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2030 đối với đối tượng là chủ đầu tư, khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất bình quân của các ngân hàng thương mại.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, các bộ, ngành, địa phương để đôn đốc, hướng dẫn triển khai các gói tín dụng nêu trên.
Lan Anh (tổng hợp)
(Còn nữa)
Ý kiến bạn đọc