Multimedia Đọc Báo in

Đổi mới để bắt kịp xu thế

07:17, 25/10/2023

Kế thừa những kết quả đã đạt được, công tác thông tin đối ngoại (TTĐN) đã và đang không ngừng đổi mới nội dung, đa dạng hóa phương thức theo phương châm “Chủ động, đồng bộ, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả”.

Những chuyển biến trong công tác thông tin đối ngoại

Ngày 14/02/2012, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Kết luận số 16-KL/TW về Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011 - 2020. Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 16, công tác TTĐN đã có những bước phát triển vượt bậc.

Công tác TTĐN nhận được sự định hướng, chỉ đạo tổng thể, thống nhất, xuyên suốt trong cả hệ thống chính trị; được triển khai đồng bộ, hiệu quả ở trong và ngoài nước trên tất cả lĩnh vực; sự phối hợp giữa Ban Chỉ đạo Trung ương với các ban, bộ, ngành Trung ương và với Ban Chỉ đạo các địa phương được tăng cường, hình thành nên mạng lưới liên kết chặt chẽ, vận hành một cách nhịp nhàng, thông suốt, hiệu quả.

Tỉnh Đắk Lắk tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ nhân kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.

Công tác TTĐN nâng cao đáng kể nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội, giúp hiểu đúng, đầy đủ hơn về vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác TTĐN trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế. Kết quả triển khai công tác TTĐN trở thành một trong những tiêu chuẩn để đánh giá thành tích trong triển khai nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương. Những chuyển biến về mặt nhận thức là yếu tố then chốt góp phần nâng cao hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong việc triển khai TTĐN trên thực tiễn.

Nội dung và phương thức triển khai TTĐN về cơ bản đã có sự đổi mới, phong phú và thực chất hơn. Thông tin về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các sự kiện lớn, quan trọng và thành tựu phát triển của đất nước được cung cấp đậm nét, bài bản, chủ động, có định hướng rõ với kế hoạch và chương trình cụ thể, thể hiện phương châm “đi trước mở đường”. Công tác TTĐN chú trọng những thông tin về các hoạt động ngoại giao sôi động, vai trò và những đóng góp ngày càng quan trọng của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế; các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại song phương và đa phương giữa các bộ, ngành Việt Nam và các đối tác nước ngoài; các hoạt động giao lưu giữa nhân dân ở khu vực biên giới với các nước láng giềng. Từ đó, góp phần tạo hiệu ứng dư luận tích cực, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, nhất là với các nước láng giềng, bạn bè truyền thống, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, thể hiện sự chủ động thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước đối tác và cộng đồng quốc tế.

Đa dạng hóa phương thức, công tác TTĐN được phát huy hiệu quả thông qua kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đơn cử, hoạt động ngoại giao nhà nước đã có nhiều sáng tạo, đổi mới về xây dựng kế hoạch và hình thức triển khai TTĐN theo hướng phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn, nhất là các địa bàn trọng điểm như các nước khu vực ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp...  Việc thông tin tuyên truyền thế mạnh, tiềm năng phát triển kinh tế, văn hóa lịch sử của đất nước và địa phương được duy trì thường xuyên dưới các hình thức đã trở nên phổ biến như tổ chức diễn đàn, hội nghị xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư; giao lưu đối ngoại văn hóa, thể thao, du lịch; tổ chức chương trình gặp mặt, thăm chúc mừng các ngày lễ lớn, ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh H'Yim Kđoh (thứ hai từ phải sang) trao quà hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho người dân Campuchia.

Tiếp tục đổi mới, đi trước đón đầu

Mới đây, tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, triển khai Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, TTĐN cần đi trước, đón đầu các xu thế truyền thông, nhanh chóng ứng dụng, triển khai công nghệ mới vào công tác thông tin đối ngoại, không để TTĐN bị “lạc hậu” so với các quốc gia khác cũng như trong môi trường truyền thông quốc tế, dẫn tới mất mặt trận tuyên truyền, xuất hiện các “lỗ hổng” trong công tác tuyên truyền. Cần có các lực lượng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, không để các lực lượng thù địch xâm phạm chủ quyền số, an ninh mạng trong lĩnh vực thông tin, phát tán thông tin sai sự thật trên môi trường truyền thông của người dân trong nước. Công tác TTĐN cần có mức đầu tư xứng đáng, đồng bộ về cả con người, cơ sở vật chất cũng như tài chính.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, muốn đổi mới nội dung và phương thức, trước hết cần phải đổi mới tư duy trong công tác và hoạt động TTĐN. Trước yêu cầu đổi mới ngày càng cao trong lĩnh vực báo chí truyền thông do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, của trí tuệ nhân tạo, đòi hỏi chúng ta phải có những công cụ, nền tảng, ứng dụng công nghệ mới, thông minh, có tính năng vượt trội trong việc xử lý, cung cấp thông tin, có khả năng tiếp cận nhanh chóng, đa dạng và đáp ứng tốt nhất mọi nhu cầu của độc giả. Theo đó, các hoạt động truyền thông quảng bá cũng cần được đổi mới, ứng dụng công nghệ số, phát huy hình thức truyền thông trên nền tảng số, mạng xã hội. Với cách làm này, chúng ta sẽ dần thay đổi quan điểm “đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới” sang “đưa thế giới đến với Việt Nam”.

Bộ Thông tin và Truyền thông đang củng cố, phát triển và hoàn thiện nền tảng quảng bá hình ảnh quốc gia với tính năng hoàn toàn khác biệt trên nền tảng công nghệ mới. Nền tảng này tổng hợp thông tin từ trên 100 cơ quan báo chí lớn, 63 cổng thông tin của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các nguồn dữ liệu của nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nhằm cập nhật, cung cấp thông tin một cách nhanh chóng, đa chiều về Việt Nam. Ngoài tính năng cung cấp thông tin chính thức, nền tảng sẽ liên tục cập nhật thông tin quảng bá các địa phương; tổng hợp những hình ảnh, video đẹp về Việt Nam; số hóa Việt Nam trên không gian số; giới thiệu những gương mặt tiêu biểu của công chúng; đây cũng là một diễn đàn rộng mở để công chúng trong nước và quốc tế có thể bày tỏ những quan điểm, góc nhìn của mình về đất nước, con người Việt Nam…

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.