Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư Kuin: Tạo đồng thuận xã hội từ công tác đối thoại

07:17, 25/10/2023

Tổ chức các chương trình đối thoại với nhân dân trên địa bàn huyện Cư Kuin đã trở thành việc làm thường xuyên của cấp ủy các cấp và chính quyền địa phương.

Từ các cuộc đối thoại dân chủ, cởi mở, không chỉ giúp lãnh đạo huyện nắm bắt ý kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân mà còn kịp thời giải quyết những vướng mắc, bức xúc và định hướng đúng, tạo sự đồng thuận cao trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương.

Lắng nghe dân nói

Ghi nhận tại các buổi đối thoại của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện với cán bộ, nhân dân, hội viên, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn huyện cho thấy, đây thực sự là một diễn đàn nhân dân, không mang tính hình thức. Qua đối thoại với lãnh đạo huyện, các tầng lớp nhân dân đã bày tỏ suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của mình một cách thẳng thắn, cởi mở trước các vấn đề tồn đọng, nổi cộm trong xã hội và liên quan đến lợi ích chính đáng của mình…

Mới đây, tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND huyện với thanh niên năm 2023, chủ đề “Thanh niên Cư Kuin khởi nghiệp, lập nghiệp”, nhiều vấn đề được đề cập như: thuận lợi, khó khăn, thách thức trong tìm kiếm việc làm, mở rộng sản xuất, kinh doanh và đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; vấn đề tiếp cận, giải quyết nguồn vốn vay; các chính sách hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số, thuộc diện hộ nghèo… đã được lãnh đạo huyện và các phòng, ban, ngành tiếp thu, trả lời, làm rõ, giải đáp, cũng như trao đổi các giải pháp nhằm hỗ trợ đoàn viên thanh niên (ĐVTN) khởi nghiệp, lập nghiệp…

Đoàn viên thanh niên huyện Cư Kuin nêu kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo UBND huyện tại buổi đối thoại.

Bí thư Huyện Đoàn Cư Kuin Đặng Thị Vân chia sẻ: “Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND huyện với cán bộ, ĐVTN lần này là dịp nhằm định hướng, truyền đạt thông tin, thông điệp của lãnh đạo huyện đối với các cấp bộ Đoàn và ĐVTN, cũng như tạo điều kiện cho thế hệ trẻ bày tỏ nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị các sáng kiến, thể hiện trách nhiệm của mình, góp phần tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương…”.

 

Bên cạnh việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những bức xúc trong dân, cũng từ công tác đối thoại, cấp ủy, chính quyền các cấp sẽ thẳng thắn tiếp nhận sự phản hồi của nhân dân về tinh thần, thái độ thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức để chỉnh đốn, ngăn ngừa kịp thời những hành vi sách nhiễu, cửa quyền, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp…” - Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin Võ Tấn Huy.

Anh Hoàng Minh Nhân, Bí thư Đoàn xã Ea Ning nhận xét: “Qua chương trình đối thoại giữa lãnh đạo UBND huyện với ĐVTN, tôi thấy các câu trả lời của các vị lãnh đạo huyện, các phòng, ban chuyên môn có liên quan rất sát với tình hình thực tế, giải đáp và có phương án giải quyết những vấn đề vướng mắc ở cơ sở, những khó khăn mà các bạn ĐVTN đang gặp trong quá trình lập thân, lập nghiệp…”.

Kịp thời tháo gỡ vướng mắc

Cùng với việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, công tác đối thoại cũng góp phần giúp cấp ủy, chính quyền huyện Cư Kuin giải quyết kịp thời các vụ việc, đặc biệt là liên quan đến việc triển khai chương trình, dự án trọng điểm trên địa bàn huyện.

Có thể kể đến công tác cưỡng chế 64 công trình xây dựng trái phép, sử dụng đất sai mục đích (do Công ty TNHH MTV Cà phê Việt Thắng quản lý) dọc Quốc lộ 27, thuộc thôn 8 và thôn 13 (xã Ea Tiêu).

Thông qua việc đối thoại, nhiều người dân đã nhận thức được sai phạm và tự nguyện tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trước thời điểm tổ chức cưỡng chế.

Bên cạnh đó, qua nắm bắt tình hình, nhận thấy nhu cầu cần được giúp đỡ của người dân, Ban Chỉ đạo đã linh hoạt chuyển hình thức từ cưỡng chế sang hỗ trợ đối với các hộ dân chưa tới thời gian thực hiện cưỡng chế nhưng tự giác tháo dỡ công trình vi phạm và có nguyện vọng được lực lượng chức năng giúp đỡ.

Nhờ vậy, không phát sinh tình huống đột xuất, không hình thành "điểm nóng" về an ninh trật tự.

Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin Võ Tấn Huy giải đáp thắc mắc của ĐVTN tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND huyện với thanh niên.

Hay như việc tổ chức đối thoại với các hộ nhận khoán trên đất các công ty cà phê để thu hồi đất thi công Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột (đoạn qua địa bàn xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur), UBND huyện đã tiến hành nhiều buổi đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, qua đó cũng giải thích rõ với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan để hợp tác bàn giao mặt bằng. Huyện cũng nêu rõ quan điểm trong quá trình giải phóng mặt bằng, nếu các hộ dân cần sự giúp đỡ của đơn vị thi công về phương tiện, máy móc, UBND huyện sẽ đề nghị chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị thi công hỗ trợ tối đa cho người dân. Nếu các hộ dân vẫn không bàn giao đất thì kiên quyết cưỡng chế thu hồi theo quy định pháp luật. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, người dân đã tự giác bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công ngay trước thời điểm địa phương thực hiện biện pháp cưỡng chế, thu hồi đất…

Có thể nói, việc đối thoại trực tiếp để giải quyết những vấn đề người dân quan tâm đã thể hiện sự khéo léo, linh hoạt trong công tác dân vận; hạn chế được tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và chính quyền, tạo động lực để phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị của địa phương ngày càng vững mạnh.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.