Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ
Sáng 9/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, các đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết này và 5 nhóm cơ chế chính sách áp dụng thí điểm nhằm tiếp tục giải quyết những vướng mắc tồn tại hiện nay, tháo gỡ những nút thắt, tạo đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giải quyết ách tắc về giao thông để tăng kích cầu phát triển kinh tế.
Theo đó, đại biểu đồng tình với các chính sách: thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án đường Quốc lộ, đường cao tốc đi qua các địa phương; về các dự án giao thông đường bộ đi qua nhiều địa phương; cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Đồng tình việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP, đại biểu lý giải qua xem xét lại một số loại hình giao thông mang tầm chiến lược, tổng mức đầu tư rất lớn gồm nhiều hợp phần khác nhau đòi hỏi Nhà nước phải đầu tư cơ bản về hạ tầng; đồng thời kêu gọi đầu tư vận hành và khai thác theo hình thức PPP. Vì vậy nguồn lực Nhà nước sẽ phải chiếm tỷ trọng cao trong tổng mức đầu tư.
Một số dự án đầu tư ở vùng kinh tế xã hội chưa phát triển, địa bàn trọng điểm về an ninh quốc phòng đòi hỏi tổng mức đầu tư lớn, trong khi nhu cầu vận tải chưa cao, vận hành khai thác khó đảm bảo phương án tài chính… cũng cần được quan tâm bố trí tỷ lệ nguồn lực nhà nước cao hơn.
Ngoài ra, một số dự án hạ tầng kết nối liên vùng đầu tư theo hình thức PPP được phê duyệt và triển khai trước khi luật PPP ban hành (năm 2020) có hiệu lực, trong đó nguồn lực Nhà nước chiếm tỷ trọng cao theo quy định của Luật và của Nghị định 63/2018/NĐCP về đầu tư theo phương thức PPP vẫn được tiếp tục triển khai thực hiện và cần được phân bổ đủ nguồn.
Về cơ chế đặc thù sử dụng nguồn tăng thu ngân sách năm 2022, đại biểu nhất trí với thiết kế của các nội dung áp dụng cơ chế đặc thù gồm bốn khoản như trong dự thảo và nhất trí với việc phải có danh mục kèm theo nghị quyết, để phù hợp với nguyên tắc thí điểm được nêu tại khoản 3 Điều 3 là có địa điểm, thời gian thực hiện rõ ràng cụ thể.
Đối với các dự án chưa đủ điều kiện đề nghị tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đầu tư trình Quốc hội hoặc trình Ủy ban Thường vụ quốc hội nếu được Quốc hội ủy quyền xem xét quyết định trong thời gian nghị quyết có hiệu lực thi hành. Đại biểu cho rằng, quy định này rất linh hoạt và đúng với quan điểm hiện nay là phải thích ứng linh hoạt để tạo điều kiện cho các địa phương giảm bớt thủ tục hành chính và giảm các chi phí không chính thức.
Về việc chuyển mục đích sử dụng rừng, mặc dù nội dung này không được Chính phủ đưa vào cơ chế đặc thù trình tại kỳ họp nhưng đại biểu cho biết, hầu hết các địa phương thực hiện các dự án đầu tư công liên quan đến đất rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng đang là rào cản lớn làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, nhất là những diện tích có rừng tự nhiên.
Đại biểu tham dự phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn |
Việc chuyển mục đích sử dụng rừng để làm công trình giao thông ở một địa phương phải làm rất nhiều thủ tục hành chính. Vì vậy, đại biểu đề nghị, bổ sung nội dung này, phân cấp cho các địa phương việc chuyển mục đích sử dụng rừng cũng được áp dụng cơ chế đặc thù, để tiến độ thực hiện tất cả các dự án đầu tư công đã và đang triển khai được thực hiện thuận lợi hiệu quả hơn.
Một số đại biểu đề nghị Nhà nước cần mở rộng biên độ hỗ trợ về tài chính, nhằm tăng khả năng về tài chính của dự án, giúp nhà đầu tư mau hoàn vốn, nhất là với các dự án đang chuẩn bị đầu tư, triển khai giai đoạn tới nhằm tạo động lực phát triển kinh tế xã hội.
Đại biểu thống nhất với phương án tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án, điều này sẽ tạo thêm sức hấp dẫn cho các loại dự án này khi phương án tài chính khả thi hơn, rút ngắn thời gian hoàn vốn, tạo động lực thu hút, huy động đầu tư tư nhân trong xây dựng các dự án đường bộ, tiết kiệm nguồn lực và bộ máy quản lý nhà nước do chi phí vận hành, bảo trì khai thác trong vòng đời dự án do nhà đầu tư thực hiện.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần xây dựng tiêu chí cho phép các dự án đường bộ được áp dụng mức trần nhà nước trên 50% vốn đầu tư. Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan thẩm định tính khả thi của dự án trước khi kêu gọi nhà đầu tư tư nhân tham gia, qua đó xác định được mức độ hấp dẫn của dự án đối với nhà đầu tư tư nhân, kiểm soát được quá trình triển khai, đo lường được mức độ ảnh hưởng của dự án tới người dân.
Về các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương, Điều 6 dự thảo Nghị quyết được thiết kế theo logic các địa phương trao đổi sau đó Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định. Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra rằng, khoản 2 Điều 6 có đưa ra ba nguyên tắc để xác định cơ quan chủ quản thực hiện dự án trong trường hợp dự án giao thông đường bộ đi qua từ hai địa phương trở lên.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: quochoi.vn |
Theo đó, tỷ trọng vốn đầu tư lớn hơn; khối lượng công việc nhiều hơn và theo thỏa thuận giữa các địa phương. Đại biểu đề nghị thiết kế lại quy định tại Điều 6 theo hướng đối với dự án giao thông đường bộ qua nhiều tỉnh, nguyên tắc ưu tiên là nguyên tắc thỏa thuận giữa các địa phương, sau đó mới đến nguyên tắc tỷ trọng vốn đầu tư lớn hơn và khối lượng công việc nhiều hơn.
Theo đại biểu, phải ưu tiên nguyên tắc thỏa thuận bởi giữa các địa phương, lợi ích của địa phương sẽ được UBND tỉnh đó ưu tiên trước. Khi nguyên tắc thỏa thuận được áp dụng nhưng không thành công thì UBND cấp tỉnh của các địa phương sẽ báo cáo Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Trường hợp này, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo nghiên cứu, cân nhắc và lựa chọn giữ nguyên tắc tỷ trọng vốn đầu tư lớn hơn và khối lượng công việc nhiều hơn để giao cho UBND một địa phương làm cơ quan chủ quản áp dụng theo quy định tại khoản 1.
Về thời gian thực hiện thí điểm, đại biểu đề nghị nên kéo dài đến hết tháng 6/2026, thời điểm sắp kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, sau đó tiến hành tổng kết, đánh giá tính phù hợp, hiệu quả của các chính sách thí điểm. Việc quy định thời gian thực hiện Nghị quyết chỉ hơn 2 năm là ngắn, chưa đủ thời gian để kiểm nghiệm, đánh giá toàn diện sự phù hợp và tính hiệu quả của các chính sách thí điểm.
Đại biểu đề nghị, sau khi Nghị quyết được thông qua và có hiệu lực, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thi hành ngay, tăng cường việc kiểm tra, giám sát, đánh giá sự phù hợp và hiệu quả của từng chính sách thí điểm đề ra trong Nghị quyết. Sau thời gian áp dụng thí điểm, cần có sự tổng kết việc thi hành Nghị quyết, nhất là cần có đánh giá xem những chính sách nào phù hợp, được thực tiễn đánh giá là đúng, thì kịp thời thể chế hóa thành pháp luật để thực hiện thống nhất. Chính sách nào không phù hợp sau thời gian thí điểm thì cần ngừng thí điểm.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng góp ý về tính đồng bộ của hệ thống pháp luật; đề nghị bổ sung hoàn thiện các nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn, tiêu chí thí điểm; tiêu chí liên quan đến năng lực quản lý của địa phương, nguồn vốn thực hiện dự án, cơ quan đề xuất dự án thí điểm, trách nhiệm triển khai chính sách thí điểm…
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc