Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Xem xét, thảo luận các nghị quyết, tờ trình về chính sách thuế

22:19, 20/11/2023

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều 20/11 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và Tờ trình của Chính phủ về việc giảm thuế giá trị gia tăng.

Cơ sở thu hút đầu tư bình đẳng

Đóng góp ý kiến thảo luận dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, đại biểu tán thành với sự cần thiết của dự thảo Nghị quyết; khẳng định đây là nghị quyết khá quan trọng để điều chỉnh chính sách thuế mới trong thời gian tới, tạo cơ sở thu hút đầu tư bình đẳng.

Đại biểu nhận định, việc ban hành nghị quyết này sẽ có tác động rất lớn làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh ở nước ta, đặc biệt là với các nhà đầu tư chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh rất gay gắt trong thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Để giảm thiểu những tác động bất lợi, đại biểu cho rằng, đồng thời với việc ban hành nghị quyết về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Quốc hội cũng cần phải ban hành thêm nghị quyết về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để đảm bảo duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn để đáp ứng cùng một lúc cả hai mục tiêu là thúc đẩy được dòng vốn đầu tư chất lượng cao vào nền kinh tế nước ta, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước và đồng thời không vi phạm các cam kết quốc tế, không đi ngược với xu thế hội nhập.

Theo đại biểu, muốn vậy, về quan điểm phải khẳng định, việc chúng ta ban hành các chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư mới không phải là một biện pháp để bù đắp thiệt hại cho các nhà đầu tư, do họ phải nộp thuế bổ sung, vì điều này là vi phạm các nguyên tắc của OECD. Chính sách hỗ trợ đầu tư cần bảo đảm một nguyên tắc công bằng hướng tới tất cả các doanh nghiệp đạt được các tiêu chí cụ thể mà chính sách của chúng ta hướng tới, không phân biệt đó là doanh nghiệp thuộc đối tượng phải chịu thuế bổ sung hay không. 

Đại biểu cho rằng, các lĩnh vực, dự án cần ưu tiên thu hút: lĩnh vực công nghệ cao thân thiện với môi trường, hoạt động nghiên cứu phát triển, lĩnh vực năng lượng tái tạo, các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao và có quy mô lớn và tất cả đều nhằm tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế theo đúng tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh hội nhập và thu hút đầu tư trong bối cảnh mới.

Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, theo đại biểu, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư nâng cao hệ thống hạ tầng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội quốc gia; cần tiếp tục đầu tư nhiều nữa cho hạ tầng về giao thông góp phần giảm chi phí logistics, chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhất là lĩnh vực công nghệ cao và kinh tế xanh; hỗ trợ thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nên có đầu mỗi hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính – điều mà các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài rất lo ngại…

Đánh giá kỹ việc áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT)

Tại phiên làm việc, các đại biểu cũng xem xét và đóng góp ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc giảm thuế GTGT.

Trình bày Tờ trình tóm tắt về dự án nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh sự cần thiết đề xuất giải pháp giảm thuế GTGT.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc Trình bày Tờ trình tóm tắt về dự án nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT. Ảnh: quochoi.vn

Để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành trong năm 2023 và nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp về giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2024 như: tiếp tục xem xét giảm thuế GTGT 2% và xem xét giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu như đã áp dụng của năm 2023; tiếp tục rà soát giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí…

Trình bày Báo cáo thẩm tra về việc giảm thuế GTGT, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với sự cần thiết ban hành chính sách để đồng hành cùng Chính phủ trong các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, trong khi kết quả kích cầu là không rõ nhưng việc giảm thu tác động tiêu cực đến cân đối ngân sách các địa phương là thực tế; cũng có ý kiến đề nghị Chính phủ cân nhắc thận trọng việc tiếp tục các chính sách miễn, giảm thuế đã thực hiện trong thời gian qua, khi các nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước đang ngày càng khó khăn trong các năm gần đây, thể hiện qua tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra về việc giảm thuế giá trị gia tăng. Ảnh: quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra về việc giảm thuế GTGT. Ảnh: quochoi.vn

Về nội dung của chính sách, có ý kiến cho rằng, đánh giá tác động giảm thu khoảng 25 nghìn tỷ đồng chưa có cơ sở tính toán chính xác, chưa dự báo được mức độ, lĩnh vực, ngành hàng sẽ có chuyển biến tích cực khi thực hiện chính sách. Vì vậy, đề nghị Chính phủ bổ sung đầy đủ đánh giá tác động của việc thực hiện chính sách...

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận về Tờ trình này, đại biểu thống nhất với đề xuất của Chính phủ, bởi dự báo thương mại toàn cầu tiếp tục khó khăn do biến động địa chính trị và nguy cơ chi phối kinh tế. Từ đó, tăng trưởng kinh tế năm 2024 phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng trong nước, trong khi đó thuế giá trị gia tăng tác động trực tiếp đến giảm giá bán sản phẩm hàng hóa dịch vụ và tăng nhu cầu tiêu dùng.

Hơn nữa, đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với các nhóm hàng hóa dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% còn 8% là phù hợp với thực tiễn áp dụng năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần cân nhắc áp dụng chung một mức thuế giảm giá trị gia tăng cho tất cả các hàng hóa dịch vụ có mối quan hệ khắng khít với nhau. Việc phân biệt đối tượng giảm giá trị gia tăng làm ảnh hưởng các quan hệ kinh tế, tạo ra sức bất bình đẳng trong thị trường.

Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội xem xét cho tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng cho cả năm 2024 - đây là giải pháp khả thi và hiệu quả trong chính sách hỗ trợ áp dụng trong vài năm gần đây.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần xem xét kỹ hơn để đánh giá việc giảm thuế có tác động như thế nào với ngân sách các địa phương và đây có phải nguyên nhân khiến một số chỉ tiêu về kinh tế của năm 2023 không hoàn thành hay không, nhất là chỉ tiêu về GDP…

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khởi sắc xã vùng sâu Ea Sin
Ea Sin là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Búk hiện đang đổi thay nhờ những dự án hỗ trợ hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.