Multimedia Đọc Báo in

Phát triển đảng viên ở Băng A Drênh: Gỡ khó bằng những giải pháp linh hoạt

07:12, 28/11/2023

Xã Băng A Drênh (huyện Krông Ana) có 6 thôn, buôn, với 8 dân tộc cùng sinh sống (đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 28%).

Những năm trước, công tác phát triển đảng viên tại địa phương gặp rất nhiều khó khăn, nhất là hai buôn DTTS (buôn Cuê và K62). Nguyên nhân là do nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, ý chí phấn đấu chưa cao, thanh niên sau khi tốt nghiệp THPT đi làm ăn xa nhiều… Chính vì thế, nhiều năm liền, một số chi bộ không kết nạp được đảng viên mới, thậm chí không giữ chân được đảng viên trẻ tiếp tục tham gia sinh hoạt do chuyển đi làm ăn xa.

Chị H’Thủy Buôn Krông (Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Băng A Drênh kiêm cán bộ tổ chức Đảng ủy xã) (bìa trái) là một đảng viên năng nổ.

Trước thực tế đó, Đảng ủy xã Băng A Drênh đã tập trung sâu sát, củng cố các tổ chức, đoàn thể tại các thôn, buôn nhằm giải quyết khó khăn trước mắt về mặt nhân sự, đẩy mạnh hoạt động của chi bộ thôn, buôn cũng như xây dựng, bồi dưỡng nguồn lực tại chỗ.

Cụ thể, tại buôn Cuê (là buôn khó khăn nhất của xã Băng A Drênh, với 80% dân số là dân tộc Êđê), Chi bộ buôn tập trung phân công tổ chức, đoàn thể tại buôn quan tâm, đẩy mạnh các phong trào thi đua, chú trọng nêu gương của đảng viên trên địa bàn buôn.

Bí thư Chi bộ buôn Cuê Y Blô Mlô cho hay, với phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, các đảng viên trong chi bộ luôn gương mẫu, gần gũi, vận động người dân tích cực phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bài trừ hủ tục lạc hậu. Nhờ đó người dân thêm tin tưởng, có động lực phấn đấu vào Đảng. Từ năm 2017 đến nay, công tác phát triển đảng viên ở Chi bộ buôn Cuê được Đảng ủy xã đánh giá tốt. Hiện nay, Chi bộ buôn Cuê đã có 30 đảng viên, trong đó có 20 đảng viên dân tộc Êđê, 15 đảng viên trẻ.

Để tháo gỡ “nút thắt” trong công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên, nhất là đảng viên vùng đồng bào DTTS, Đảng ủy xã đã đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thi đua lao động sản xuất, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới…; từ đó phát hiện nhân tố tích cực để bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng. Những đảng viên đó tiếp tục được bồi dưỡng và trở thành cán bộ cốt cán tại địa phương.

Điển hình như đảng viên H’Thủy Buôn Krông (buôn K62). Nhờ năng động trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên tại địa phương, năm 2016 chị H’Thủy được kết nạp vào Đảng. Sau đó chị được tín nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Băng A Drênh kiêm cán bộ tổ chức Đảng ủy xã. Chị luôn cố gắng, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao. Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị H’Thủy đã trở thành “cánh tay” đắc lực của cấp ủy trong việc gần dân, bám dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, từ đó kịp thời tham mưu cấp ủy, chi bộ từng bước giải quyết những tồn đọng tại địa bàn.

Bí thư Chi bộ buôn Cuê Y Blô Mlô thường xuyên đi tuyên truyền, vận động và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Băng A Drênh Nguyễn Tất Thắng cho biết, mặc dù công tác phát triển đảng viên mới ở nông thôn ngày càng khó khăn nhưng Đảng bộ xã đã quyết tâm gỡ khó bằng nhiều giải pháp linh hoạt. Các đảng viên sau khi đứng vào hàng ngũ của Đảng tiếp tục trở thành “hạt nhân nòng cốt” tại cơ sở, luôn đi đầu trong mọi công việc, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Nhờ vậy, những năm qua, công tác phát triển đảng viên tại xã đều đạt và vượt chỉ tiêu huyện giao.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.