Multimedia Đọc Báo in

Quan hệ Việt Nam và Nhật Bản đang tốt đẹp, vững chắc hơn bao giờ hết

20:27, 29/11/2023

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức tới Nhật Bản, ngày 29/11 Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến thăm và phát biểu diễn văn chính sách tại Quốc hội Nhật Bản, cơ quan lập pháp có lịch sử lâu đời nhất ở châu Á.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã truyền tải thông điệp tới lãnh đạo, nghị sỹ và đông đảo người dân Nhật Bản về một đất nước Việt Nam đổi mới, mở cửa, yêu chuộng hòa bình, khát vọng phát triển; về chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Chủ tịch nước cũng điểm lại chặng đường 50 năm Quan hệ Hữu nghị, Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản và khẳng định quan hệ hai nước là “Lương duyên trời định", đồng thời chia sẻ tầm nhìn và định hướng lớn để triển khai hiệu quả Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới, quyết tâm cùng Nhật Bản xây dựng quan hệ hai nước thực sự là “Bạn bè chân thành, đối tác tin cậy, hợp tác chiến lược, tương lai bền vững".

Trong lời phát biểu chào mừng tại Quốc hội, Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Nukaga Fukushiro cho rằng việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu trước Quốc hội là dấu ấn quan trọng trong quan hệ hai nước; nhấn mạnh Việt Nam là đối tác quan trọng không thể thay thế của Nhật Bản, quan hệ hai nước đang ở trạng thái tốt đẹp và vững chắc hơn bao giờ hết.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản. Ảnh: TTXVN

Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Nhật Bản nhân dịp 50 năm thiết lập Quan hệ Ngoại giao giữa hai nước và việc hai bên tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện là dấu mốc lịch sử mới đưa quan hệ hai nước phát triển với tiềm năng vô hạn, hướng tới tương lai, vươn tầm khu vực và thế giới.

Đánh giá cao bài phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Otsuji Hidehisa cho rằng, hai dân tộc Nhật Bản và Việt Nam chia sẻ nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, chia sẻ nhiều giá trị, phẩm chất tốt đẹp, giống như hoa sen của Việt Nam và hoa anh đào của Nhật Bản, luôn biết vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, vươn mình tỏa hương. Mong muốn hai đất nước cùng nhau tiếp bước chặng đường mới với khuôn khổ quan hệ mới, trong khi thuận lợi hay lúc khó khăn, cùng nhau đạt được thành quả mới.

Trước đó, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã hội kiến Chủ tịch Hạ viện Nukaga Fukushiro và Chủ tịch Thượng viện Otsuji Hidehisa.

Tại các cuộc hội kiến, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng việc hai nước vừa tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện là minh chứng rõ nét cho sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện, thực chất của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Chủ tịch nước đánh giá cao sự quan tâm, ủng hộ của Quốc hội Nhật Bản trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước; nhấn mạnh chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Thượng viện Otsuji Hidehisa tháng 9 vừa qua là một trong những sự kiện quan trọng, ý nghĩa trong năm kỷ niệm 50 năm thiết lập Quan hệ Ngoại giao, góp phần tăng cường tin cậy chính trị, sự hiểu biết giữa hai dân tộc, là nền tảng quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài, mong muốn tăng cường, phát triển quan hệ Việt Nam - Nhật Bản toàn diện và sâu sắc hơn nữa, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Chủ tịch Hạ viện Nukaga Fukushiro và Chủ tịch Thượng viện Otsuji Hidehisa hoan nghênh và bày tỏ vui mừng được đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Nhật Bản vào dịp hai nước đang tiến hành nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập Quan hệ Ngoại giao.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm Thư viện Quốc hội Nhật Bản. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm Thư viện Quốc hội Nhật Bản. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Hạ viện Nukaga Fukushiro bày tỏ vui mừng trước những phát triển vượt bậc và thực chất của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản thời gian qua; khẳng định Quốc hội Nhật Bản ủng hộ hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, đồng thời sẽ phát huy vai trò tích cực trong việc cụ thể hóa các nội dung hợp tác trong khuôn khổ quan hệ mới.

Chủ tịch Thượng viện Otsuji Hidehisa chia sẻ ấn tượng sâu sắc về sự phát triển tích cực của Việt Nam mà ông cảm nhận được trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 9/2023; khẳng định mong muốn thúc đẩy Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt - Nhật trên tất cả các lĩnh vực, tăng cường giao lưu, hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan lập pháp của hai nước trong thời gian tới.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham quan Thư viện Quốc hội Nhật Bản (NDL) - một trong những thư viện lớn nhất trên thế giới.

Thư viện được thành lập vào năm 1948 với mục đích hỗ trợ các thành viên Quốc hội trong việc nghiên cứu các vấn đề về chính sách công. Thư viện Quốc hội bao gồm hai cơ sở chính ở Tokyo và Kyoto và một số thư viện chi nhánh khác trên khắp Nhật Bản.

Năm 1949, Thư viện Quốc hội Nhật Bản sáp nhập với Thư viện Quốc gia (trước đây gọi là Thư viện Hoàng gia) và trở thành Thư viện Quốc gia duy nhất tại Nhật Bản với trên 1 triệu tập sách.

*Chiều 29/11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời thủ đô Tokyo, lên đường tới tỉnh Fukuoka, tiếp tục chương trình thăm chính thức Nhật Bản.

Theo TTXVN/Vietnam+


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.