Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò tiên phong của ngoại giao kinh tế phát triển đất nước

14:38, 21/12/2023

Sáng 21/12, Bộ Ngoại giao tổ chức Phiên toàn thể về Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 32 với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”. 

Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, 63 tỉnh, thành và các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

Tại điểm cầu Đắk Lắk có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh; cùng đại diện các sở, ngành liên quan.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm khu trưng bày sách báo về hoạt động ngoại giao (ảnh: Báo điện tử Chính phủ)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm khu trưng bày sách báo về hoạt động ngoại giao tại hội nghị. (Ảnh: Báo điện tử Chính phủ)

Sau Hội nghị Ngoại giao 31 (tổ chức năm 2021), các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, rộng khắp trên cả bình diện song phương và đa phương. Trong 3 năm qua, Việt Nam đã tổ chức thành công 45 chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đến các nước láng giềng, đối tác chiến lược; đồng thời, đón gần 50 chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Việt Nam.

Công tác ngoại giao kinh tế đã có những bước phát triển mới theo hướng toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn. Đối ngoại đã phát huy vai trò tiên phong trong huy động các nguồn lực bên ngoài, đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ vừa phòng chống, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tốt chủ trương “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ” trong các hoạt động ngoại giao kinh tế.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về triển vọng kinh tế thế giới, xu thế đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ; các tiêu chuẩn, quy định mới của Liên minh châu Âu về thương mại, đầu tư quốc tế và cơ hội và thách thức cho xuất khẩu của Việt Nam; thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư quốc gia khu vực Trung Đông, cơ hội và thách thức với Việt Nam; triển khai hiệu quả Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ triển khai các đột phá chiến lược; chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái và định hướng đối với công tác ngoại giao kinh tế trong lĩnh vực này…

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần có tư duy đổi mới, tích cực, hiệu quả; nắm chắc tình hình, thay đổi cách tiếp cận để tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng chiến lược ngoại giao kinh tế phù hợp; xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao bản lĩnh về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, tinh thông nghiệp vụ ngoại giao, hiểu biết luật pháp và có tâm, có tầm.

Trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu công tác ngoại giao phải có sự chủ động, sát tình hình mới; xác định rõ các khó khăn, thách thức cần tháo gỡ; hoàn thiện thể chế, cơ chế hợp tác bảo đảm đầy đủ, sát thực tiễn và tổ chức thực hiện tốt. Đồng thời, phát huy tính tự lực, tự cường, tính chủ động, sáng tạo; tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương...

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.