Multimedia Đọc Báo in

Triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2024

14:35, 27/12/2023

Sáng 27/12, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện Thường trực HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể của tỉnh.

Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục duy trì phát triển. Giá trị tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn ước đạt 60.792 tỷ đồng, tăng 4,39% so với năm 2022. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 98.000 tỷ đồng.

Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch đúng định hướng, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, có tốc độ tăng trưởng khá.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị cùng các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị cùng các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.

Ngành công nghiệp từng bước khai thác được tiềm năng, thế mạnh, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Các chương trình mục tiêu quốc gia được tập trung nguồn lực đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện. Dự kiến đến cuối năm 2023, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 1,75% và lũy kế có 78/151 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 51,66% (tăng 4 xã so với năm 2022).

Các dự án đầu tư công được tập trung quyết liệt triển khai, đặc biệt là các công trình trọng điểm. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được tích cực thực hiện. Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư 21 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 1.488 tỷ đồng.

Các đại biểu tham dự hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Công tác an sinh xã hội được triển khai kịp thời; chất lượng giáo dục, y tế và đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; quốc phòng - an ninh được tăng cường.

Trong năm 2024, UBND tỉnh đề ra 16 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó đáng chú ý như: tổng sản phẩm xã hội (GRDP) phấn đấu đạt khoảng 64.400 - 64.920 tỷ đồng; tăng trưởng kinh tế đạt từ 6,0 - 6,8% so với ước thực hiện năm 2023; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 38.600 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu trên 1,6 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 99.800 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước đạt trên 8.500 tỷ đồng...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị đề nghị các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2024, hướng đến thực hiện hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của nhiệm kỳ đã đề ra. Trong đó cần lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của tỉnh.

Đồng thời tiếp tục tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khai thác, tận dụng hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để hình thành những ngành, sản phẩm mũi nhọn, chủ lực, đảm bảo tăng trưởng bền vững; đẩy mạnh cơ cấu nông nghiệp và xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, kích cầu tiêu dùng.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị phát biểu kết luận hội nghị.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị phát biểu kết luận hội nghị.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, chủ đầu tư tập trung giải ngân vốn đầu tư công; sớm triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2024 ngay từ đầu năm; tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp để giải ngân kế hoạch năm 2022 kéo dài và kế hoạch năm 2023.

Bên cạnh đó cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; sử dụng bền vững tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường. Chú trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp. Tăng cường quản lý, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước; triển khai hiệu quả các chính sách tiền tệ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển giáo dục, đào tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình văn hóa, văn học, nghệ thuật; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, giá trị lịch sử, truyền thống dân tộc; đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch; tiếp tục thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo.

Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường phân cấp, phân quyền, cải thiện các chỉ số cải cách hành chính. Tăng cường công tác nắm tình hình, nhất là các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm...

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.