Multimedia Đọc Báo in

Cần đánh giá khách quan, chính xác về tự do tôn giáo tại Việt Nam

09:25, 21/01/2024

Mới đây, ngày 4/1/2024, website của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) thông tin Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục đưa Việt Nam vào danh sách Theo dõi đặc biệt (SWL) về tự do tôn giáo do các vi phạm “nghiêm trọng” về tự do tôn giáo. Đây là nhận định thiếu khách quan, thể hiện góc nhìn sai lệch về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

Việt Nam được biết đến là một quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời, đa dân tộc, đa tôn giáo, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo riêng, có những tôn giáo du nhập bên ngoài từ phương Đông như Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo; có nguồn gốc từ phương Tây như Công giáo, Tin lành; các tôn giáo nội sinh như Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo... Trong mỗi giai đoạn phát triển đất nước luôn có sự chung tay đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân, sự đóng góp không nhỏ của các tôn giáo và đồng bào tôn giáo cả nước.

Nhằm bảo đảm nhu cầu chính đáng của người dân về tín ngưỡng, tôn giáo, ngay sau khi nước nhà độc lập, ngày 3/9/1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ tuyên bố “tín ngưỡng, tự do và lương - giáo đoàn kết”. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định chính sách nhất quán trong bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, thể hiện trên nguyên tắc hiến định tại các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992; đến Hiến pháp năm 2013 được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện văn bản pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR) mà Việt Nam đã tham gia thành viên từ ngày 24/9/1982. Khoản 1, Điều 24 Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”. Năm 2016, Quốc hội thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, đã tạo cơ chế hành lang pháp lý để bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của mọi người dân.

Từ những chủ trương, chính sách, pháp luật đúng đắn về công tác tôn giáo mà số lượng chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự ngày càng phát triển. Theo số liệu từ Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với trên 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước; hơn 54 nghìn chức sắc, trên 135 nghìn chức việc và gần 30 nghìn cơ sở thờ tự.

Các tôn giáo có đông tín đồ nhất là: Phật giáo (khoảng trên 14 triệu tín đồ), Công giáo (khoảng 7 triệu tín đồ), Phật giáo Hòa Hảo (khoảng 1,5 triệu tín đồ), Tin lành (khoảng 1,21 triệu tín đồ), Cao Đài (khoảng trên 1,1 triệu tín đồ). Ngoài ra, ở Việt Nam còn có các tôn giáo khác như: Hồi giáo, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bà La Môn, Bửu Sơn Kỳ Hương, Minh Sư đạo, Minh lý đạo….

Hệ thống tín ngưỡng vô cùng phong phú, có 50.703 cơ sở tín ngưỡng, trong đó khoảng 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO ghi danh là di sản thế giới. Các tôn giáo được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong bộ máy của nhà nước như cơ quan dân cử Quốc hội, HĐND các cấp, các đoàn thể chính trị xã hội, tham gia các hoạt động về y tế, giáo dục, dạy nghề, từ thiện xã hội, các phong trào thi đua yêu nước, toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nông thôn mới...

Đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn làm Trưởng đoàn đến thăm và chúc mừng Chi hội Tin lành A lê A (TP. Buôn Ma Thuột) nhân dịp Lễ Giáng sinh năm 2023. Ảnh: Thúy Hồng

Trước đây, khi có dịp về thăm Việt Nam, trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên vào ngày 30/1/2004, Phó Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Cao Kỳ đã từng phát biểu: “Không phải riêng tôi, mà cả trăm ngàn người Việt kiều hải ngoại về thăm quê, thì đều thấy chùa chiền ngày càng xây cất nhiều ra, người đi chùa, đi nhà thờ thì cứ đông nghìn nghịt, hoàn toàn không có một sự cấm cản gì cả. Nếu mà nói về tự do tôn giáo thì thật sự có tự do, không ai có thể chối cãi được”.

Sau gần 40 năm đổi mới, thế và lực của Việt Nam giờ đã khác trước rất nhiều, có quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các đối tác quan trọng hàng đầu, trong đó có cả 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do FTA với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, trong đó có tín đồ, chức sắc tôn giáo được nâng cao, quyền tự do tôn giáo con người bảo đảm. Nhiều lễ hội tôn giáo lớn ở Việt Nam được tổ chức thường xuyên, như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ba lần đăng cai tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc VESAK; các lễ hội của Tin lành như ngày lễ 100 năm Tin lành đến Việt Nam được tổ chức trọng thể, trang nghiêm; lễ Giáng sinh hằng năm cũng đã trở thành một ngày hội thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trên khắp mọi miền đất nước...

Việt Nam đã hai lần trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016 và nhiệm kỳ 2023 - 2025) với số phiếu bầu cao cho thấy cách nhìn nhận, đánh giá đúng đắn, khách quan của cộng đồng quốc tế về tiến trình bảo đảm nhân quyền nói chung và quyền tự do tôn giáo nói riêng ở Việt Nam.

Trước những cáo buộc phi lý của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ngày 11/1/2024, trong buổi họp báo thường kỳ tại Hà Nội, bà Phạm Thu Hằng - Quyền Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí kiêm Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: “Việt Nam lấy làm tiếc và yêu cầu Hoa Kỳ không đưa Việt Nam vào danh sách, cần có đánh giá khách quan dựa trên thông tin chính xác về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam”; và “Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ về các vấn đề cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn cởi mở, tôn trọng lẫn nhau, đóng góp tích cực vào hòa bình, hợp tác trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ”.

Ngô Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.