Những “nhịp cầu” ở buôn làng
Bằng uy tín, kinh nghiệm, khéo nói, hay làm, người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.
Nêu gương giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Là Trưởng buôn, người có uy tín buôn Kwăng A, xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ), để “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, những năm qua, ông Y Khuê Ayun đã cùng với các ngành, đoàn thể bám nắm địa bàn, sâu sát từng hộ dân. Ông cũng tranh thủ tiếng nói của các cá nhân tiêu biểu để tuyên truyền, vận động bà con không tin, không nghe theo kẻ xấu, chí thú làm ăn, nuôi dạy con cái, giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự địa phương, thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
Ông Y Khuê Ayun, Trưởng buôn, người có uy tín buôn Kwăng A (xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ) kiểm tra vườn cà phê. |
Hơn 25 năm là “nhịp cầu” kết nối giữa chính quyền với nhân dân, bản thân ông Y Khuê luôn nêu gương trong cuộc sống đời thường, tích cực phát triển kinh tế, truyền đạt, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn bà con sử dụng cây, con giống phù hợp, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Khi có chủ trương đầu tư xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhưng buôn Kwăng A chưa có quỹ đất, ông đã thống nhất với gia đình tự nguyện hiến 400 m2 đất cho buôn. Hành động nêu gương ấy còn hơn trăm lời nói “suông”, phần lớn bà con đồng thuận cao với chủ trương hiến đất xây dựng nông thôn mới. Đối với những trường hợp “chưa thông”, ông Y Khuê cùng cán bộ Mặt trận, các đoàn thể trực tiếp “gõ từng nhà” để vận động.
Để người có uy tín phát huy tốt vai trò của mình, Ban Dân tộc tỉnh đã cấp phát kịp thời Báo Đắk Lắk, Báo Dân tộc và Phát triển cho người có uy tín; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức và đưa người có uy tín đi tham quan, giao lưu, học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh. |
Nhờ “dân vận khéo” và phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, người dân trong buôn đã tự nguyện giải tỏa mặt bằng, mở rộng đường, đóng góp hằng trăm ngày công, gần 500 triệu đồng cùng với kinh phí hỗ trợ để bê tông hóa gần 2 km đường giao thông. Kiên trì với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, ông Y Khuê đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con, tự lực vươn lên trong phát triển kinh tế và duy trì danh hiệu buôn văn hóa từ năm 2001 đến nay.
“Cầm tay chỉ việc” cho bà con
Hơn 25 năm tham gia công tác, gắn bó cùng buôn làng với vai trò Đội phó Đội công tác 253 xã Cư Pơng (huyện Krông Búk), người có uy tín buôn Ea Brơ, ông Ama Chuyên chứng kiến biết bao thăng trầm trong cuộc sống của người dân. Ông tâm niệm rằng, muốn dân tin, dân nghe thì phải luôn sống thật cái bụng, làm việc có lợi cho dân. Vậy nên, để bà con trong buôn không bị “khát” vào mùa khô, năm 2017 ông đã bàn bạc với gia đình bỏ vốn và vay mượn thêm với tổng số tiền 44 triệu đồng khoan giếng ngay bên cạnh nhà cho người dân cùng sử dụng.
Ông Ama Chuyên (bìa phải), người có uy tín buôn Ea Brơ (xã Cư Pơng, huyện Krông Búk) thăm hỏi đời sống bà con trong buôn. |
Để “cầm tay chỉ việc” cho bà con cùng phát triển kinh tế gia đình, ông Ama Chuyên đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc 2,5 ha cà phê, trồng xen bơ, sầu riêng, chăn nuôi thêm heo, gà, thu về lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm và hướng dẫn bà con làm theo. Là người có tiếng nói, có uy tín, ông còn được giao đảm nhận vai trò Bí thư Chi bộ của các buôn Cư Hiem, Ea Brơ, Cư Hriết để xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, đoàn thể các buôn, phát triển đảng viên người dân tộc tại chỗ, động viên bà con giữ lại đất đai để canh tác, không vay “tín dụng đen”, không nghe lời kẻ xấu dụ dỗ. Buôn Ea Brơ từ chỗ đói nghèo, lạc hậu, giờ đây nhiều hộ vươn lên khá, giàu, nhiều hộ có nhà xây kiên cố, mua được cả ô tô, máy cày.
Ông Y Khuê, Ama Chuyên là hai trong số 921 người được công nhận là người có uy tín trong đồng bào DTTS theo Quyết định số 152/QĐ-UBND, ngày 1/2/2023 của UBND tỉnh. Đây là những người tiêu biểu, được người dân tôn vinh, bầu chọn và lấy đó làm tấm gương học tập noi theo.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc