Multimedia Đọc Báo in

Nhân dân Đắk Lắk đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris

07:11, 28/01/2024

Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết là một thắng lợi quan trọng của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Song, Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn tiến hành phá hoại việc thi hành hiệp định.

Ở Đắk Lắk, từ tháng 2 đến 5/1973, địch tập trung lực lượng phản kích, đánh phá lấy lại các vùng đã bị ta chiếm lĩnh ở Hà Lan, buôn Trinh, buôn Ea Đê, Cung Kiệm, Quảng Nhiêu, buôn H’đơk, Đắk La. Trong vùng địch kiểm soát, địch bắt dân học cái gọi là “hiện tình đất nước”, tuyên truyền xuyên tạc Hiệp định Paris, đề ra khẩu hiệu 4 không (không có hòa bình, không có ngừng bắn, không có tổng tuyển cử, không có giải pháp chính trị)… Địch tuyên truyền kế hoạch “tái thiết hậu chiến”, ra sức khai thác tiềm năng kinh tế Tây Nguyên, bóc lột nhân dân bằng các thứ thuế và phong tỏa bao vây kinh tế, mở thêm các đồn điền, lập các khu định cư mới, bày trò cứu trợ “nạn nhân chiến cuộc”, tung tiền của, vật chất để lừa mị nhân dân, bắt dân lập ấp, xây dựng làng kiểu mẫu…

Trước tình hình đó, ngày 4/2/1973, Tỉnh ủy Đắk Lắk quyết định thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời và đề ra bốn nhiệm vụ để phối hợp với các ngành, đoàn thể hoạt động. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời gồm có 10 đồng chí, do đồng chí Y Blốk Êban làm Chủ tịch.

Sau ngày Hiệp định Paris được ký kết, ở Đắk Lắk ta đã mở một đợt tuyên truyền cho nhân dân về thắng lợi của hiệp định và tấn công chính trị vào hàng ngũ địch, với 3.000 bản hiệp định, thông cáo chung và hàng vạn truyền đơn được phát, tuyên truyền vào các vùng, đồn bót của địch. Cán bộ ta đã tiếp xúc 2 đại đội, 20 trung đội và 3 tiểu đội lính bảo an, dân vệ và phòng vệ dân sự, tiếp xúc lẻ tẻ với một số sĩ quan và nhân viên ngụy quyền xã, quận làm cho họ thấy rõ ý nghĩa thắng lợi của Hiệp định Paris và chính sách “hòa giải, hòa hợp dân tộc” của cách mạng. Tết Nguyên đán năm 1973, ta tổ chức Tết “hòa bình, hòa hợp dân tộc”, ở cơ sở ta lãnh đạo một số tư sản tổ chức các địa điểm vui Tết ở vùng ven thị xã với trên 1.000 người tham dự, trong đó có một số sĩ quan, cảnh sát, công chức cấp quận. Ở các huyện, các đội công tác cũng tổ chức Tết hòa bình với nhân dân địa phương, có nhiều binh lính người dân tộc thiểu số tham gia.

Quân giải phóng đánh chiếm Sân bay Hòa Bình ở thị xã Buôn Ma Thuột năm 1975. Ảnh: TTXVN

Các lực lượng vũ trang và du kích trong tỉnh đã tiến hành đợt tấn công chiếm lĩnh cắm cờ ở nhiều khu vực như lực lượng E25 chiếm lĩnh khu vực Hà Lan, khu dồn Ea Đê, Cung Kiệm; D301 của tỉnh chiếm buôn Tring; các đại đội công binh chiếm lĩnh các mục tiêu trên đường 21. Lực lượng các huyện tấn công chiếm lĩnh các mục tiêu ở Quảng Nhiêu, đồn điền Chư Hlăm (H5), Đạt Lý 2 (H6)...

Tháng 9/1973 Tỉnh ủy Đắk Lắk họp xác định nhiệm vụ chống bình định lấn chiếm, trọng tâm là công tác vùng địch. Đến cuối năm 1973, các đội công tác vùng địch tăng lên 416 người, lập thêm 13 đội công tác mới, mở các lớp bồi dưỡng dài ngày cho các đội công tác. Cuối năm 1974, “các đội công tác đã phát động 17.000 lượt quần chúng vùng địch, mở rộng cơ sở mới vào 29 buôn, nối lại cơ sở bị đứt ở 28 buôn, 7 đồn điền, phát triển 329 cơ sở, 39 du kích mật, 25 an ninh mật, 70 cơ sở binh tề vận, kết nạp 18 đảng viên, 14 đoàn viên, xây dựng 20 ban cán sự quần chúng”.

Công tác binh vận được tăng cường. Năm 1974, “ta đã giáo dục hơn 10.000 lượt người nhà binh lính địch, tiếp xúc giáo dục 1.000 lính, dân vệ và phòng vệ dân sự, 250 tề xã ấp, rải 50.000 truyền đơn và 850 thư tay binh vận. Tinh thần binh lính giảm sút rõ rệt. Một số đơn vị dân vệ ở Cẩm Ga, buôn Đung, khu dồn Ea Đê đấu tranh không chịu đi càn, nhiều dân vệ trả súng bỏ nhiệm vụ. Ta đã xây dựng được 133 cơ sở binh vận, 23 cơ sở nội tuyên trong lính địch và 33 cơ sở trong tề xã ấp”.

Kết quả, đến cuối năm 1974, vùng căn cứ của tỉnh có 5 xã người Kinh, 52 buôn người dân tộc thiểu số, 9.249 dân; vùng giải phóng 48 buôn, 1 đồn điền, 7 dinh điền, 10.296 dân; vùng tranh chấp 41 buôn, 2 dinh điền, 10.354 dân. Như vậy, so với trước Hiệp định Paris, dân khu căn cứ và giải phóng tăng thêm, vùng tranh chấp mở rộng hơn.

Có thể khẳng định, đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris là nội dung bao trùm trong giai đoạn 1973 - 1975 trên cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng; thu hút sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức đấu tranh như chống bình định lấn chiếm, đòi giải quyết đời sống cho nhân dân... Thông qua phong trào, lực lượng cách mạng được tập hợp một cách rộng rãi. Phong trào một lần nữa chứng minh truyền thống yêu nước, tinh thần dân tộc và khả năng linh hoạt, sáng tạo của nhân dân tỉnh Đắk Lắk trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, góp phần cùng với cả nước thực hiện thắng lợi trọn vẹn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc