Multimedia Đọc Báo in

Từ những "hành trình đỏ”...

08:21, 10/01/2024

Khi kể lại chuyến “hành trình về địa chỉ đỏ” tại Di tích quốc gia đặc biệt - Nhà đày Buôn Ma Thuột vào tháng 3/2023, chị Lê Thị Ngọc Lệ, đoàn viên Chi đoàn Viện KSND tỉnh vẫn không giấu được niềm xúc động.

“Tham quan nhà lao, khu xà lim, khu hỏi cung... của Nhà đày Buôn Ma Thuột, chúng tôi thấm thía hơn những gian khổ, hy sinh mà thế hệ cha anh đã phải trải qua để đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Từ đó, thế hệ trẻ như chúng tôi càng biết ơn, trân quý hơn thành quả cách mạng mà cha ông đã để lại, tiếp tục phát huy sức trẻ để góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Bí thư Huyện Đoàn M’Drắk Nông Anh Dũng chia sẻ, giáo dục truyền thống cho thanh thiếu niên gắn với các “hành trình về địa chỉ đỏ” luôn được các cơ sở Đoàn triển khai thường xuyên, liên tục và đổi mới. Trên địa bàn huyện M’Drắk có Khu di tích lịch sử Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 (vừa được công nhận di tích cấp tỉnh). Đây là "địa chỉ đỏ" được Huyện Đoàn thường xuyên tổ chức cho đội viên, thanh niên, nhi đồng về tham quan, học tập, nghe kể chuyện về lịch sử, truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, của quê hương. Từ đó, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, tạo niềm tin, lý tưởng sống, khơi dậy khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ trên quê hương M’Drắk…

Thanh thiếu niên của huyện M'Drắk dâng hương tại Khu di tích lịch sử Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Sư đoàn 10, Quân đoàn 3.

Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Phan Thị Trinh cho biết: Công tác giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc cho thanh thiếu nhi luôn được các cấp bộ Đoàn đặc biệt quan tâm triển khai sâu rộng, đa dạng và phong phú về hình thức trong đoàn viên, thanh thiếu nhi, gắn với các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương.

Đơn cử như nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã tổ chức “Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ” tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh với sự tham gia của hơn 2.000 đoàn viên, thanh niên; tổ chức đi thăm, tặng quà 8 Mẹ Việt Nam Anh hùng; trao 20 phần quà tặng các gia đình có công với cách mạng.

Trong tuần cao điểm của tháng 7/2023, tuổi trẻ toàn tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, tặng hơn 2.000 suất quà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng trị giá gần 800 triệu đồng; đoàn viên thanh niên tham gia chăm sóc cây xanh, sơn, dọn vệ sinh các nghĩa trang liệt sĩ và nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; hỗ trợ, giúp đỡ ngày công cho gia đình người có công với cách mạng.

Các “địa chỉ đỏ” như: Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột; Khu di tích quốc gia lịch sử CADA; Bảo tàng tỉnh; Tượng đài các chiến sĩ Gạc Ma (tỉnh Khánh Hòa); Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ xã Dliê Ya… là “điểm đến” trong hành trình tham quan, học tập của tuổi trẻ địa phương.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đoàn viên thanh niên dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh.

Bên cạnh đó, thực hiện chủ đề công tác năm 2023 là “Chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng tối đa ưu thế của các công cụ, phương tiện truyền thông hiện đại, mạng xã hội trong giáo dục thanh thiếu nhi; thực hiện “số hóa” các tài liệu, hiện vật, thông tin về các địa danh lịch sử, địa chỉ đỏ. Điển hình như Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã số hóa Di tích quốc gia lịch sử CADA và Di tích lịch sử Tượng đài Mậu Thân 1968; Huyện Đoàn Cư M’gar và Huyện Đoàn Krông Bông ra mắt Trang thông tin điện tử của Đoàn; Thị Đoàn Buôn Hồ số hóa di tích lịch sử đối với 4 di tích lịch sử cấp tỉnh trên địa bàn (Đồn điền Rossi; Đền thờ Đức Thánh Trần; địa điểm lưu niệm trận chiến đấu phòng ngự chốt Buôn Tring năm 1973; địa điểm lưu niệm các chiến sĩ Trung đoàn 25 tại đèo Hà Lan năm 1973)… Công tác này, không chỉ góp phần lưu trữ những tư liệu, hình ảnh quý, xây dựng được hệ thống dữ liệu chung của các di tích, "địa chỉ đỏ" trên địa bàn, mà còn giúp người dân nói chung và tuổi trẻ nói riêng trong học tập, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, truyền thống của quê hương.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.