Multimedia Đọc Báo in

Chào Giáp Thìn với thế rồng bay!

04:28, 10/02/2024

Tạm biệt năm 2023 Quý Mão, chào đón Giáp Thìn 2024, mở đầu can với thế rồng bay.

Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV kết thúc, cử tri cả nước đều hân hoan đặt trọn niềm tin vào các vị đại biểu của dân, thực sự vì dân.

Vui biết bao nhiêu khi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều hoàn thành dù vừa trải qua đại dịch COVID-19 vẫn vững vàng tăng trưởng.

Sân bay, bến cảng kết nối vùng miền và vươn ra hội nhập cùng bè bạn năm châu. Đường cao tốc kéo dài, cả nước đã có 1.850 km để bài ca cất cánh vươn xa. Những trung tâm kinh tế mở ra chiều kích mới.

Người dân Đắk Lắk háo hức .Ảnh: Hữu Nguyên
Linh vật rồng tại TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) chào đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ảnh: Hữu Nguyên

Chưa quên ngày đầu giành độc lập năm 1945, ngân sách quốc gia chỉ có một triệu đồng tiền Đông Dương rách nát mà đến năm 2023 kim ngạch hai chiều đã vượt mốc 600 tỷ USD, xuất siêu hơn 25,8 tỷ USD.

Cùng với phát triển kinh tế, giữ vững an ninh, trên bàn nghị sự, Quốc hội cũng lo thuốc men, thiết bị y tế để khám chữa bệnh cho nhân dân. Lo lắng, tính toán chương trình và sách giáo khoa sao cho hợp lý của một đất nước hiếu học.

Bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc để hội nhập vẫn giữ bản sắc riêng của mình mà tự hào.

Trật tự an toàn xã hội được ổn định. Hiện đại hóa quân đội để canh biển, canh trời, giữ vững biên cương Tổ quốc mà ông cha để lại.

Ta không chỉ vì ta mà còn vì cộng đồng nhân loại. Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc, cử phái bộ đến châu Phi xa xôi để niềm tự hào hai tiếng Việt Nam lan tỏa. Người yêu người, người vì người không phân biệt giàu nghèo, màu da, sắc tộc. Chân giá trị trải muôn ngàn thử thách để cờ đỏ sao vàng giương cao muôn nơi. Một nước chưa giàu về kinh tế nhưng có đủ lòng nhân ái, san sẻ âu lo của cộng đồng. Niềm tự hào, kiêu hãnh là người Việt Nam dù đang sống ở trời Tây hay biển Bắc.

Hồn dân tộc lưu truyền qua tiếng Việt dù ở đâu cũng mở lớp dạy tiếng Việt cho con em nhớ đến cội nguồn. Xuất phát từ nền nông nghiệp ngàn đời biết ơn cây lúa. Làm ra hạt gạo ngon nhất thế giới, gạo ST25 đã hai lần được vinh danh. Mục tiêu 1 triệu héc ta lúa cao sản là mơ ước bao đời của Đồng bằng sông Cửu Long. Festival tôm Cà Mau khẳng định tôm Việt Nam đã đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, riêng Cà Mau đã đến hơn 60 nước.

Chưa quên nạn đói năm 1945, hai triệu người chết đói thì bây giờ có đủ lương thực dự trữ và xuất khẩu mỗi năm hơn 7 triệu tấn gạo, quả là kỳ tích. Trái cây Việt Nam đã đi muôn nơi. Nhãn, dứa, thanh long, bưởi… đã xuất khẩu đến nhiều nước.

Lưng tựa Trường Sơn, mặt hướng ra Đông Hải. Thời đại 4.0 cho ta có nhiều cách tiếp nhận bảo vệ chủ quyền. Nhà giàn DK1 cũng là chốt chặn như Hoàng Sa, Trường Sa, còn khai thác dầu khí, thủy hải sản làm giàu cho Tổ quốc. Càng biết ơn các anh hùng đã hy sinh ở đảo Gạc Ma cũng như ở biên giới Vị Xuyên cùng hàng triệu người rải dọc Trường Sơn hay rừng đước, rừng tràm đất mũi Cà Mau.

Càng nhớ đến công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, gây dựng phong trào cho có đảng tiền phong để dân tin, dân quý gọi là Đảng ta vì trong ta có Đảng. Lợi ích của Đảng cũng là của Dân. Là độc lập - tự do, là hòa bình - thịnh vượng, mang khát vọng từ thuở Vua Hùng dựng nước, như lời Bác Hồ căn dặn khi nói chuyện với đại đoàn quân tiên phong khi về tiếp quản thủ đô tháng 10/1954: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Các thế hệ tiếp nối luôn nhớ lời Bác dạy để Tổ quốc vững bền, để dân tộc trường tồn, để bánh chưng, bánh dày muôn thuở vuông tròn cùng mùa xuân vĩnh hằng.

*

Đất thì cứ ánh lên màu lửa. Ủ lửa ngàn đời cho khát vọng hôm nay. Cả núi rừng nghiêng ngả đắm say. Chiêng thôi thúc gọi ta vào hội. Đắk Lắk ngập tràn niềm vui mới. Thác nước hòa ca âm thanh đại ngàn. Vượt thời gian lay động không gian.

Ta yêu sao vùng đất sử thi, sản sinh ra Đăm San, Xinh Nhã. Sản sinh ra Nữ thần Mặt trời, để ngàn năm vẫn đi tìm dấu vết. Khát vọng con người vươn những tầm cao. Trăm nẻo đường xuân reo vui nâng những bước chân huyền thoại để quá khứ - hiện tại - tương lai gặp nhau cho mùa xuân vĩnh hằng.

Ngày 30/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1747/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu quy mô kinh tế vươn lên đứng trong nhóm 25 tỉnh phát triển thịnh vượng đứng đầu cả nước. Quy hoạch cũng đề ra các mục tiêu cụ thể, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm là 11%, bình quân đầu người đến năm 2025 dự kiến đạt 81,2 triệu đồng, đến năm 2030 đạt 131 triệu đồng. Với tầm nhìn đến năm 2050, Đắk Lắk trở thành tỉnh có không gian sinh thái - bản sắc kết nối sáng tạo. Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học vùng Tây Nguyên và khu vực, trung tâm đô thị vùng Tây Nguyên.

Cà phê Đắk Lắk càng khẳng định giá trị toàn cầu. Du lịch sinh thái nơi này gọi, nơi khác đáp lời. Thác Khói, thác Mây vừa lên tiếng đã có ngay Thủy Tiên, Trinh Nữ. Dray Sáp gọi tìm dấu chân Đăm Dông cho suối tóc H’Linh thả dài năm tháng. Tiếng gió reo là đại ngàn đang thở, trao tin yêu gửi đến muôn đời. Sông mẹ, sông cha Krông Ana, Krông Knô cùng hòa giọng cho Sêrêpốk cường tráng, dũng mãnh giữa đại ngàn để mùa màng tươi tốt, xanh tươi, cho sầu riêng Krông Pắc, Krông Búk; cho mắc ca Ea H’leo, Krông Năng, Buôn Hồ… thành đặc sản.

Không chỉ các đô thị như TP. Buôn Ma Thuột phấn đấu là đô thị văn minh: Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp mà cả tỉnh thi đua xây dựng nông thôn mới. Điện, đường, trường, trạm đã phủ khắp địa bàn. Yêu sao những đường hoa, những tranh tường ở Cư M’gar, Krông Ana… với khát vọng đẹp, giàu.

Dựng cây nêu thần, mời thần linh, ông bà tổ tiên cùng về dự. Bên đống lửa bập bùng, chiêng trống gọi ta vào hội. Lời ayray tình tứ, mở rộng vòng xoang ôm cả núi rừng. Có đâu như Đắk Lắk, lễ hội của trăm miền hội tụ. Xoè Thái trong tiếng cồng Mường; hô bài Chòi xen câu ví dặm; hò Huế xen với cải lương; câu quan họ thả vào lăm tơi; cùng vũ nữ Ápsara say trong điệu chèo. Văn hóa đa sắc màu làm nên Đắk Lắk. Hòa nhập trường tồn khát vọng bay cao.

Nẻo đường Xuân mỗi bước, mỗi tự hào.

Chào Giáp Thìn với thế rồng bay!

Tùy bút của Hữu Chỉnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.