Kể chuyện về “lò lửa cách mạng” bằng cả trái tim
Dù đã không ít lần tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột (tọa lạc tại số 18, đường Tán Thuật, phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột), nhưng mỗi lần đến, chúng tôi lại có thêm cảm nhận sâu sắc hơn về tinh thần trung dũng, kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cộng sản từng bị giam cầm nơi đây.
Hòa vào dòng người vào viếng thăm Nhà đày Buôn Ma Thuột một ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lịch sử cách đây hơn 90 năm dường như được tái hiện sắc nét qua những hiện vật, dấu tích để lại trên từng bức tường, nhà lao, xà lim, cùm sắt; qua giọng kể bằng cả trái tim của những thuyết minh viên mà chúng tôi gọi là người kể chuyện lịch sử ở “lò lửa cách mạng” này.
Chị chẳng nhớ đã bao nhiêu lần được đón tiếp và giới thiệu tới du khách về lịch sử của Nhà đày, thuyết minh viên Nguyễn Thị Thu Hương bộc bạch như vậy. Nhưng lần nào với chị, cảm xúc cũng vẹn nguyên, nghẹn ngào, xúc động: Năm 1930, thực dân Pháp xây dựng Nhà đày Buôn Ma Thuột để đày biệt xứ và giam những cán bộ, đảng viên cộng sản bị bắt, xử án nặng ở các tỉnh Trung Kỳ.
Với âm mưu thâm độc, lợi dụng địa hình rừng núi hẻo lánh, khí hậu khắc nghiệt, quá trình lao động khổ sai để giết dần tù nhân, hoặc thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người chiến sĩ cộng sản. Thế nhưng sự tàn bạo của thực dân không đè bẹp được khí tiết và tinh thần kiên trung của người chiến sĩ cách mạng.
Những cuộc vượt ngục, đấu tranh nổi dậy của tù chính trị diễn ra thường xuyên, liên tục, với nhiều hình thức. Họ đã biến nhà tù thực dân thành mặt trận đấu tranh, trường học cách mạng. Ban ngày bị lao động khổ sai, ban đêm lại bí mật dạy chữ, kiến thức cho nhau…
Với tinh thần đấu tranh không mệt mỏi, đến cuối năm 1940, một số tù nhân trong Nhà đày Buôn Ma Thuột đã lập ra tổ chức bí mật gọi là “lực lượng trung kiên” - thực chất là một chi bộ Đảng cộng sản. Đây là mốc son lịch sử của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk; đánh dấu bước chuyển mình trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc tại Đắk Lắk.
Thuyết minh viên giới thiệu với khách tham quan về các hiện vật tại Nhà đày Buôn Ma Thuột. |
Hơn 14 năm gắn bó với nghề, những câu chuyện lịch sử gắn với Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột đã in sâu trong tâm thức của chị Hương. Chị chia sẻ, để làm “cầu nối” đưa khách tham quan về ngọn ngành lịch sử, cảm nhận đầy đủ ý nghĩa, giá trị của Nhà đày Buôn Ma Thuột, ngoài tình yêu công việc, người thuyết minh phải tự bồi dưỡng, tích lũy kiến thức qua sách, báo, tài liệu lịch sử Đảng bộ tỉnh, nhật ký, hồ sơ của các cựu tù nơi đây... Trong những lần thuyết minh, điều làm chị xúc động và cảm thấy may mắn là được gặp thân nhân của những chiến sĩ cách mạng từng bị giam tại Nhà đày. Họ kể lại những câu chuyện được nghe từ chính người trong cuộc. Càng tìm hiểu sâu những câu chuyện về các cựu tù, chị càng tự hào khi được góp phần lan tỏa, tiếp nối mạch nguồn lịch sử đến các thế hệ.
Hơn 22 năm gắn bó với công việc thuyết minh, chị Lý Thị Hương Nhàn (Trưởng Phòng Quản lý và Phát huy di tích - Bảo tàng tỉnh) có cơ duyên và may mắn được tiếp cận với nhiều thông tin, tư liệu về những người cựu tù chính trị tại Nhà đày Buôn Ma Thuột thông qua Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2 và Cục Lưu trữ - Văn phòng Trung ương Đảng. Đó là những minh chứng lịch sử về quá trình hoạt động, sự hy sinh, gian khổ, ý chí kiên cường, một lòng theo cách mạng của những người tù chính trị... Nhờ đó đã tiếp thêm “lửa”, tạo động lực để chị hăng say, cống hiến hết mình với nghề.
Chị Nhàn cho biết, tại Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột có 10 thuyết minh viên. Hằng năm, nơi đây đón hàng chục nghìn lượt du khách trong và ngoài nước, trong đó có đông đảo học sinh, sinh viên, thân nhân tù chính trị, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị lực lượng vũ trang… (riêng năm 2023 đón trên 30 nghìn lượt khách). Khi thuyết minh, tùy theo độ tuổi, nhu cầu của du khách mà mình lựa chọn cách truyền đạt phù hợp. Một trong những yếu tố làm nên thành công là cách dẫn dắt câu chuyện, giọng kể, sự hiểu biết, nhiệt tình, linh hoạt trong ứng xử, tính chuyên nghiệp của người thuyết minh.
Khách tham quan tìm hiểu những hình ảnh lịch sử tại Nhà đày Buôn Ma Thuột. |
Nhà đày Buôn Ma Thuột đã đón biết bao các đoàn khách tới viếng thăm. Lịch sử và khúc tráng ca của các lão thành cách mạng ở di tích này, mỗi ngày đã và đang được tái hiện, kết nối, truyền lửa, nhắc nhớ tri ân qua những thuyết minh viên kể chuyện bằng cả tấm lòng và trái tim.
Lật giở từng trang nhật ký lưu dấu bút tích của khách tham quan, chúng tôi đã ghi lại được đôi dòng cảm xúc.
Tháng 8/2022, trong một lần đến Nhà đày Buôn Ma Thuột, cố Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng xúc động viết: “Ở đây, chúng tôi gặp lại cha chúng tôi và những đồng chí của ông - những người đã đổ máu xương, hy sinh tuổi trẻ trong ngục tù đế quốc để đất nước có độc lập tự do, nhân dân được hạnh phúc…”.
Hay trước đó, năm 2019, đồng chí Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có đôi dòng nhắn gửi: “Rất mong các đồng chí quản lý Nhà đày gìn giữ và phát huy vai trò giáo dục cho thế hệ trẻ khi đến thăm nơi đây.”…
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc