Trả lời kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
II. Các sở, ban, ngành, địa phương trả lời
1. Cử tri kiến nghị: Đội ngũ nhân viên trường học hiện nay lương rất thấp, trong khi phải làm việc theo giờ hành chính, mức sống chưa đảm bảo. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết tăng thêm chế độ ưu đãi đối với đội ngũ này nhằm phục vụ tốt cho công tác dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018.
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) trả lời: Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ đang giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách tiền lương mới. Trong thời gian này, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 8476/VPCP-KTTH, ngày 6/9/2018 của Văn phòng Chính phủ như sau: “Từ nay đến khi ban hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, không xem xét ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách tiền lương hiện hành” nên các chính sách về lương và phụ cấp đối với viên chức làm công tác nghiệp vụ chuyên môn dùng chung và hỗ trợ phục vụ trong các cơ sở GDPT công lập vẫn thực hiện như hiện tại cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới của Chính phủ.
Trong thời gian tới, Sở GD-ĐT tiếp tục quan tâm đến kiến nghị, đề xuất các cấp có thẩm quyền về chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp cho đội ngũ viên chức trong nhà trường, đảm bảo mức lương mới phù hợp với vị trí việc làm tương xứng với tính chất, mức độ phức tạp của nhiệm vụ được giao, đáp ứng phần nào mong mỏi của các thầy cô giáo, nhân viên ngành giáo dục.
Một tiết học của cô và trò Trường THCS Nguyễn Chí Thanh (TP. Buôn Ma Thuột). |
2. Cử tri kiến nghị: Hiện nay, đội ngũ giáo viên đến tuổi nghỉ hưu nhiều, trong khi đó nguồn nhân lực để hợp đồng cho các nhà trường hết sức khó khăn, đặc biệt là khối tiểu học thực hiện chương trình GDPT 2018 yêu cầu học 2 buổi/ngày, 9 buổi/tuần. Đề nghị xem xét, ngành giáo dục quan tâm đảm bảo cho đội ngũ theo tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định.
Sở GD-ĐT trả lời: Hiện nay, Bộ GD-ĐT vừa mới ban hành Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT, ngày 30/10/2023 hướng dẫn vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT, ngày 30/10/2023 hướng dẫn vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở GDPT và các trường chuyên biệt công lập, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc Sở căn cứ vào các thông tư trên để rà soát số lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, sắp xếp số học sinh trên lớp theo quy định để tính số lượng biên chế giáo viên, nhân viên còn thiếu báo cáo UBND tỉnh và Bộ GD-ĐT để cân đối giao biên chế đáp ứng yêu cầu giảng dạy.
3. Cử tri đề nghị: Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS). Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều sinh viên người đồng bào DTTS tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học đã có bằng cấp nhưng không được tuyển dụng. Bên cạnh đó, có nhiều con em người đồng bào một phần do điều kiện khó khăn, một phần do nhận thức chưa đúng nên đã bỏ học nửa chừng. Vì vậy, đề nghị cơ quan có thẩm quyền quan tâm có cơ chế hỗ trợ học phí giúp con em đồng bào đều được đi học và có cơ chế giải quyết việc làm cho con em khi đã có đầy đủ bằng cấp theo quy định.
Sở GD-ĐT trả lời:
* Về tuyển dụng đối với con em người đồng bào DTTS: Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 19/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức luôn được Sở GD-ĐT quan tâm dành 10% số lượng chỉ tiêu biên chế để tuyển dụng người đồng bào DTTS. Cụ thể, trong năm 2023, Sở GD-ĐT tổ chức tuyển dụng viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập, đã bố trí 14 chỉ tiêu giáo viên, nhân viên để tuyển dụng riêng người đồng bào DTTS.
* Về chế độ hỗ trợ học phí cho con em người đồng bào DTTS: Chính sách đối với học sinh, sinh viên người DTTS luôn được quan tâm, triển khai kịp thời, như: chính sách cử tuyển cho học sinh và sinh viên theo Nghị định 141/2020/NĐ-CP, ngày 8/12/2020 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên DTTS: Hằng năm, tỉnh đã hỗ trợ học bổng và chi phí học tập cho sinh viên cử tuyển từ 70 - 100 em với tổng kinh phí chi trả gần 1 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, học sinh, sinh viên người DTTS tại các trường đào tạo công lập được hưởng trợ cấp xã hội 140.000 đồng/người/tháng; học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), dự bị đại học được hưởng các chế độ hỗ trợ khác như miễn, giảm học phí; miễn các loại lệ phí thi, tuyển sinh; hỗ trợ tiền tàu xe, tiền điện nước, bảo hiểm y tế… theo Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT-BTC-BGDĐT, ngày 29/5/2009 của liên Bộ Tài chính, Bộ GD-ĐT hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh trường PTDTNT và dự bị đại học dân tộc; chính sách vay vốn theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên; chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, ngày 27/8/2021 của Chính phủ…
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc