Multimedia Đọc Báo in

Khai thác tiềm năng hợp tác với các đối tác, tạo ra nguồn lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

19:29, 18/03/2024

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 31, chiều 18/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục thực hiện Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lê Thị Thanh Xuân; các vị ĐBQH của tỉnh công tác tại địa phương; đại diện Thường trực HĐND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan.

Đại biểu tham dự phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại điểm cầu Đắk Lắk.
Đại biểu tham dự phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại điểm cầu Đắk Lắk.

Tại phiên làm việc, các đại biểu đã chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn về các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao, gồm: Công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam. Thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo. Hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch. Công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao (kể cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài); giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) đặt vấn đề: Hiện nay, việc gia tăng số lượng công dân Việt Nam bị lừa đảo đi làm việc nhẹ lương cao, bị cưỡng bức lao động tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á đã kéo theo nhiều hệ luỵ phức tạp và đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, Bộ Ngoại giao đã hoàn thiện quy trình xử lý công tác bảo hộ công dân Việt Nam khi phát sinh những vấn đề mới về sự cố khó khăn của công dân ta ở nước ngoài như thế nào? Đề nghị Bộ trưởng cho biết thêm, ngoài các giải pháp trong báo cáo của Bộ thì cần có những giải pháp mang tính chiến lược như thế nào để giải quyết căn cơ tình trạng này trong thời gian tới?

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, những sự cố, phát sinh gây khó khăn cho công dân Việt Nam ở nước ngoài đã đặt ra vấn đề quan trọng trong việc thiết lập cơ chế xử lý khủng hoảng. Bộ Ngoại giao đã thành lập Ban chỉ đạo xử lý khủng hoảng để phối hợp với các bộ, ngành liên quan khi có vụ việc xảy ra thì xử lý kịp thời; có phương án phù hợp để đưa công dân Việt Nam về nước an toàn.

Đồng thời, dự báo trước tình hình thế giới sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, từ những sự việc vừa qua, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổng kết, xây dựng quy trình và trình Chính phủ để có quy trình cụ thể xử lý, chủ động có biện pháp ứng phó kịp thời trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc cấp thị thực cho công dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, các nước trên thế giới rất quan tâm và coi Việt Nam là điểm đến an toàn, với nhiều danh lam, thắng cảnh. Trong xu thế mở cửa, hội nhập sâu rộng, không chỉ các nước đến Việt Nam mà công dân Việt Nam cũng có nhu cầu đi du lịch, tìm kiếm cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, Bộ Ngoại giao phối hợp với cơ quan chức năng đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh. Gần đây nhất, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh.

Ngoài ra, hiện có 13 nước Việt Nam miễn thị thực đơn phương – đây là địa bàn du lịch trọng điểm có nhiều khách du lịch đến Việt Nam. Bộ Ngoại giao cũng đàm phán với 15 nước thực hiện miễn thị thực song phương để tạo điều kiện hoạt động xuất nhập cảnh thông thoáng hơn. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao đang đàm phán miễn thị thực song phương đối với nhiều nước về thị thực công vụ.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: quochoi.vn

Về quy hoạch biên giới và triển khai các thỏa thuận, Bộ trưởng cho biết, hiện có 25 tỉnh giáp biên giới trên bộ với các nước láng giềng. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quy hoạch tổng thể về việc nâng cấp các cửa khẩu của Việt Nam với đối tác láng giềng xung quanh, phù hợp với Luật Quy hoạch 2017 và Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 đã được Quốc hội thông qua. Những kết quả quan trọng này sẽ giúp cho việc triển khai ngoại giao kinh tế cũng như hợp tác kinh tế qua biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng.

Bộ Ngoại giao xác định, việc phân định biên giới cắm mốc với các nước láng giềng là thành quả quan trọng, nhất là đã bảo vệ được đường biên vững chắc, lâu dài nhưng quan trọng hơn là phải khai thác được đường biên giới hòa bình hữu nghị, cùng phát triển, cùng có lợi. Vì vậy, Bộ Ngoại giao nhanh chóng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng quy hoạch tất cả các cửa khẩu, phối hợp với các đối tác nâng cấp cửa khẩu để đảm bảo lưu thông hàng hóa, con người giữa các nước.

Liên quan đến giải pháp thúc đẩy quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, hiện nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 193 nước thành viên của Liên hiệp quốc, có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 7 nước.

Bộ trưởng nêu rõ, trong việc thiết lập, nâng cấp quan hệ với các đối tác, chúng ta quan tâm đến các nội hàm quan trọng, như: tạo dựng tin cậy chính trị cao hơn với các đối tác, từ những thế mạnh của từng đối tác để thúc đẩy khuôn khổ thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo một cách sâu sắc hơn, toàn diện hơn. Chúng ta cũng tìm ra những đột phá trong quan hệ của nước ta với đối tác, ví dụ tiêu biểu nhất là ta đã đưa ra đột phá tăng cường kết nối hạ tầng với nước bạn Trung Quốc, trong đó, các tỉnh miền Bắc của ta sẽ có kết nối đường sắt liên thông với các tỉnh sâu trong nội địa Trung Quốc, kết nối với các nước Trung Á và Đông Âu. 

Với Hoa Kỳ, đột phá của nước ta là hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn, tiếp tục củng cố hợp tác thương mại, đầu tư. Với Australia, chúng ta chọn trọng tâm là hợp tác về nông nghiệp công nghệ cao và giáo dục đào tạo. Với Nhật Bản, ngoài lĩnh vực hợp tác truyền thống, chúng ta đã thỏa thuận để khoản ODA thế hệ mới phải ưu đãi hơn, thuận tiện hơn cho việc giải ngân, hỗ trợ Việt Nam trong phát triển hạ tầng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng. 

Về vấn đề chuyên gia, trí thức kiều bào ở nước ngoài, Bộ trưởng cho biết, đây là đội ngũ lớn, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, xã hội. Bộ đã cùng các bộ, ngành địa phương tìm các giải pháp để tổ chức mạng lưới tri thức kiều bào, vận động lập hội tri thức khoa học công nghệ; kết nối cộng đồng tri thức bằng các diễn đàn để cộng đồng này có thể đóng góp tri thức, nguồn lực vào phát triển đất nước.

Trả lời câu hỏi về quy hoạch cửa khẩu, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết quy hoạch và phát triển cửa khẩu kinh tế là định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo được củng cố quốc phòng, an ninh đồng thời tạo cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng.

Thời gian qua, hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về quy mô, tính chất và cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, giao lưu, thông thương hàng hóa. Trong gian đoạn mới, nâng tầm quan hệ và nâng cấp quan hệ, làm sâu sắc hơn quan hệ với nước láng giềng thì việc nâng cấp cửa khẩu, mở rộng cửa khẩu… là nhiệm vụ rất quan trọng không phải chỉ của các cơ quan Trung ương và của cả các địa phương. 

Bộ trưởng cho biết, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các cơ quan liên quan ở Trung ương, phối hợp với các địa phương để khảo sát, đánh giá, triển khai theo lộ trình từng cặp cửa khẩu mới, nâng cấp sang những loại hình mới như cửa khẩu thông minh. Do đó, phải phối hợp các bộ, ngành, đồng thời trao đổi với phía đối tác, nhất là 3 nước láng giềng để thống nhất triển khai.

Về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, việc triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển là trọng tâm. Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động về triển khai công tác ngoại giao kinh tế, vùng phát triển. Các bộ, ngành, các địa phương cũng đã cụ thể hóa xây dựng kế hoạch riêng của mình về công tác ngoại giao kinh tế. Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng đã chủ trì, chỉ đạo 3 hội nghị về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trong thời gian tới, điều quan trọng nhất là khai thác được những tiềm năng hợp tác với các đối tác mà Việt Nam đã nâng tầm, nâng cấp quan hệ. Đồng thời, tạo ra những nguồn lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết thúc phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết thúc phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn, thay mặt UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm cao, phiên chất vấn đối với lĩnh vực tài chính và lĩnh vực ngoại giao đã kết thúc tốt đẹp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, kết quả phiên chất vấn lần này cho thấy nhiều vấn đề tồn tại và đang bức xúc trong xã hội đã được đưa ra diễn đàn Quốc hội bàn thảo, giúp phát hiện những bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật, cũng như nâng cao trách nhiệm của các bộ trưởng trong việc tìm ra giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, với những giải pháp mà các bộ trưởng đã cam kết, với quyết tâm cao của tập thể Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các lĩnh vực được chất vấn sẽ tiếp tục có nhiều chuyển biến mới, tốt đẹp hơn trong thời gian tới.

“Chúng tôi thấy rằng UBTVQH đã lựa chọn được các nhóm vấn đề để chất vấn rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Từ việc lựa chọn đúng nhóm vấn đề chất vấn ở hai lĩnh vực ngoại giao và tài chính, các đại biểu cũng đã bám rất sát nội dung của từng lĩnh vực để đặt câu hỏi các bộ trưởng trên tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm và mang tính xây dựng. Nhiều vấn đề các bộ trưởng đã trao đổi, cung cấp những giải pháp và cũng có những cam kết để trong thời gian tới thúc đẩy các nội dung liên quan đến trách nhiệm của các bộ sẽ được tích cực hơn, trên cơ sở đó góp phần điều chỉnh nhiều vấn đề trên thực tế, đáp ứng được yêu cầu. Chúng tôi cũng hy vọng sau các phiên chất vấn như thế này thì những khó khăn, vướng mắc, hoặc những vấn đề phát sinh sẽ được điều chỉnh kịp thời để đảm bảo được hiệu quả của các ngành, lĩnh vực đối với các vấn đề trên thực tế.”

- Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Thị Thanh Xuân.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.