Cẩn trọng với những thông tin xuyên tạc về tình hình Việt Nam của Đài Á Châu tự do
Đài Á Châu tự do (Radio Free Asia hay RFA) được thành lập năm 1950, dưới sự quản lý của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Vào giai đoạn cực thịnh, đài RFA phát thanh gần 100 giờ mỗi ngày, bao gồm các thứ tiếng như Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Triều Tiên..., trong đó lại có những buổi phát thanh bằng thổ ngữ như tiếng H'mông, Êđê (Việt Nam), tiếng Choang (Trung Quốc), tiếng Karen (Myanmar)...
Đến năm 1971, đài RFA được CIA chuyển quyền điều hành sang cơ quan có tên là Board of International Broadcasting (BIB) do tổng thống Mỹ bổ nhiệm và chỉ đạo.
Năm 1994, Quốc hội Mỹ thông qua dự luật truyền thông quốc tế, và RFA chính thức trở thành một công ty tư nhân, nhưng ngân sách của RFA lại được Quốc hội Mỹ tài trợ dưới sự phân phối của Hội đồng quản trị truyền thông hay BBG (Broadcasting Board of Governors).
Mục tiêu, tôn chỉ của RFA là tiếp tục chương trình truyền thông quốc tế của Mỹ, thiết lập một dịch vụ truyền thông đến người Trung Quốc và các nước Á châu khác.
Trong các buổi phát thanh bằng tiếng Việt, nhiều thông tin RFA lập lờ, ngụy tạo, xuyên tạc tình hình Việt Nam, khiến người nghe, bạn đọc hiểu sai lệch về các chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Các “khách mời” thường xuyên của RFA là những tổ chức khủng bố của người Việt lưu vong, những tổ chức cực đoan chống phá Việt Nam trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, những thành phần cơ hội chính trị mang danh “nhà dân chủ” như Trần Khuê, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Văn Lý… luôn được RFA chuẩn bị sẵn về nội dung để đưa ra những bình luận tiêu cực, thông tin sai lệch, dự báo bi đát về tình hình đất nước Việt Nam, làm ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước.
Mới đây nhất, vào ngày 2/4/2024 đài RFA đăng tải thông tin cho rằng Việt Nam đã áp dụng công nghệ Havana của Nga. Liên quan đến cáo buộc “hội chứng Havana”, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov đã bác bỏ thông tin cho rằng tình báo quân sự Nga có thể đứng đằng sau căn bệnh bí ẩn mang tên “hội chứng Havana”, khiến một số nhà ngoại giao và điệp viên Mỹ mắc phải những triệu chứng giống nhau khi đang ở nhiều nơi trên thế giới, và cho biết: “Đây hoàn toàn không phải chủ đề mới. Trong nhiều năm, chủ đề về cái gọi là "hội chứng Havana" đã bị phóng đại trên báo chí và ngay từ đầu nó đã gắn liền với những cáo buộc chống Nga” (theo Reuters).
Hiện nay Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng ở khu vực và trên thế giới. Quan hệ Việt Nam và Hòa Kỳ đã có những bước phát triển tích cực kể từ sau khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, đến nay hai nước đã nâng cấp quan hệ lên quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện.
Vì vậy, trước những thông tin về tình hình Việt Nam trên Đài Á Châu tự do, việc tiếp nhận cần có sự cân nhắc, kiểm chứng và tỉnh táo, không gây ảnh hưởng tới quan hệ của Việt Nam với các nước khác, trong đó có cả quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, vì lợi ích của nhân dân hai nước và góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Ngô Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc