Multimedia Đọc Báo in

Mặt trận thứ hai ở ngay trong lòng nước Mỹ!

07:09, 01/05/2024

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, nhân dân Việt Nam đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhất là làn sóng phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam ở ngay tại nước Mỹ.

Xuất bản tờ báo phản chiến

Theo TS. Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP. Hồ Chí Minh, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Mặt trận thứ nhất chống đế quốc Mỹ là ở Việt Nam, mặt trận thứ hai là ở ngay trong lòng nước Mỹ”.

Qua quá trình nghiên cứu, sưu tầm hiện vật cho thấy, một trong những lực lượng phản chiến ngay trong lòng nước Mỹ là những người lính và các cựu chiến binh (CCB) Mỹ lúc bấy giờ, với rất nhiều hình thức. Trong đó, hình thức đấu tranh đầu tiên của những người lính và CCB Mỹ là xuất bản các tờ báo phản chiến.

Theo thống kê từ năm 1968 đến năm 1972, đã có hơn 300 tờ báo phản chiến ra đời ở Mỹ. Những tờ báo này đã thay cho lời nói của hàng trăm nghìn binh sĩ phản đối chiến tranh và những bất công, sự phân biệt trong quân đội Mỹ với nhiều nội dung, hình thức khác nhau.

Điển hình, tờ FTA với nhiều hình ảnh biếm họa, đả kích bộ máy chỉ huy của quân đội Mỹ.

Tờ The Ally đăng tải các tin tức về cuộc chiến và phong trào phản chiến cũng như các lá thư phản chiến của lính Mỹ được trực tiếp gửi về từ chiến trường Việt Nam. Tờ Rage do những lính thủy đánh bộ xuất bản đến giữa năm 1974 với tổng cộng 18 số báo.

Ngày 12/10/1968, tại Vịnh San Francisco, bà Susan Schnall mặc quân phục y tá hải quân dẫn đầu một cuộc diễu hành phản chiến vì hòa bình ở Việt Nam. Ảnh : Bảo tàng Chứng tích chiến tranh

Các tờ báo đã được phân phát sâu rộng trong hàng ngũ binh lính không chỉ ở Mỹ, ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

Nhờ đó, binh lính Mỹ đóng tại khắp nơi trên thế giới có thể tiếp xúc được với các thông điệp chống chiến tranh và từ đó có những hành động phản kháng một cách thống nhất và mạnh mẽ hơn.

Khi tham gia vào hoạt động xuất bản các tờ báo phản chiến, những người lính và các CCB Mỹ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm.

Điển hình như trường hợp của binh sĩ Andy Stapp - chủ bút của tờ báo The Bond đã bị buộc tội phản quốc, kháng quân lệnh và không trung thành, phải giải ngũ sớm.

Lập các quán cà phê phản chiến

Những người lính và CCB Mỹ còn thành lập các quán cà phê phản chiến, với mục đích để các binh sĩ có địa điểm, không gian hội họp và xuất bản các tờ báo phản chiến.

Tính đến năm 1971, có khoảng 32 quán cà phê phản chiến và trung tâm hỗ trợ họ trên khắp nước Mỹ. Trong đó, quán cà phê “The UFO” là quán đầu tiên được mở cửa vào tháng 1/1968 bởi binh sĩ Fred Gardner.

The UFO đã thu hút hàng trăm binh lính tham gia và truyền cảm hứng cho sự lan rộng của nhiều quán cà phê phản chiến khác trên khắp nước Mỹ.

Nhiều lính Mỹ đã dũng cảm, công khai ký tên vào các tuyên bố kêu gọi phản chiến. Quan trọng nhất là tuyên bố có chữ ký của 1.366 lính Mỹ tại ngũ được đăng trên tờ The New York Times ngày 9/11/1969, kêu gọi độc giả tham gia vào buổi tuần hành ở Washington đòi đình chiến. Tuyên bố đã thu hút sự quan tâm của dư luận, với hàng trăm nghìn người đã xuống đường để tham gia vào cuộc tuần hành một tuần sau đó.

Diễu hành và biểu tình

Từ đầu năm 1968, binh sĩ và các CCB Mỹ đã trở thành lực lượng đi đầu trong mọi cuộc diễu hành, biểu tình lớn trên khắp nước Mỹ.

Nữ y tá hải quân Susan Schnall là người dẫn đầu cuộc diễu hành tại San Francisco vào ngày 12/10/1968. Cũng trong ngày này, bà đã gây ra một sự kiện chấn động dư luận Mỹ lúc bấy giờ khi cùng một người bạn là phi công thuê một chiếc máy bay trực thăng, rải truyền đơn xuống các căn cứ quân sự vùng Vịnh San Francisco, tàu sân bay USS Enterprise và bệnh viện Hải quân Oak Knoll – nơi bà làm việc.

Bà Susan Schnall (bên trái) tặng chiếc mũ hải quân Mỹ từng sử dụng trong sự kiện ngày 12/10/1968 cho Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Ảnh : Bảo tàng Chứng tích chiến tranh

Vì vậy, tháng 2/1969, bà bị tòa án binh kết án 6 tháng tù và sa thải khỏi quân đội. Hiện nay, bà Susan Schnall là Chủ tịch Hội CCB vì hòa bình (VFP) TP. New York; đồng thời là điều phối viên của Chương trình vận động cứu trợ nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.

Nổi bật nữa là cuộc biểu tình của 800 CCB Mỹ vào ngày 23/4/1971 tại thủ đô Washington. Các CCB đã ném các huân chương lên bậc thềm của tòa nhà Quốc hội nhằm phản đối cuộc chiến và công khai bày tỏ sự hổ thẹn khi được trao huân chương từ việc tham gia vào cuộc chiến mà họ cho là phi nghĩa.

Mạnh Phong


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.