Multimedia Đọc Báo in

Trụ cột thể chế để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

08:37, 15/05/2024

Cuộc đấu tranh với “giặc nội xâm” được thực hiện quyết liệt, đồng bộ dựa trên bốn trụ cột: Xây dựng thể chế chặt chẽ để không thể tham nhũng; xử lý nghiêm khắc để không dám tham nhũng; giáo dục liêm chính để không muốn tham nhũng và bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, công chức không cần tham nhũng.

Từ thực tiễn phức tạp, tinh vi của hành vi, thủ đoạn, tội phạm tham nhũng, tiêu cực, trong bốn trụ cột đó, giữ vững và bản lĩnh để xây dựng, hoàn thiện trụ cột thể chế, nghiêm khắc khi phát hiện xử lý là hành trình cam go, hao tâm, tổn sức và cả đau xót!

Hoàn thiện cơ chế phòng ngừa

Từ năm 2012 đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương đã ban hành hơn 300 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực.

Năm 2013, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN được thành lập trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban, công tác đấu tranh PCTN được tiến hành mạnh mẽ theo tinh thần không có ngoại lệ.

Người dân TP. Buôn Ma Thuột nêu kiến nghị tại một hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh: Duy Tiến

Nhiều chủ trương, quy định có tính tác động, đột phá, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Nội dung của các quy định đã tập trung vào những vấn đề căn cốt, khởi nguyên mầm mống và là những “biệt dược” để trị căn bệnh tham nhũng, tiêu cực.

Đó là các quy định về phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, người đứng đầu các cấp, các ngành; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên; về công tác cán bộ, miễn nhiệm, từ chức; về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và một số lĩnh vực trọng yếu khác; về trách nhiệm và thẩm quyền của Ban Chỉ đạo và các cơ quan có chức năng PCTN, tiêu cực; về cơ chế chỉ đạo phối hợp trong hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; về bảo vệ người phát hiện tố giác, đấu tranh PCTN, tiêu cực…

 

♦Trong giai đoạn 2012 - 2022, 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý.

♦Trong năm 2023, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó lần đầu tiên có 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập.

♦Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, 105 cán bộ diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng.

Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Trên chặng đường đổi mới, liên tiếp ba kỳ đại hội, với dấu ấn của các Nghị quyết Trung ương 4, Đảng đã xây dựng và ban hành những nghị quyết, kết luận chuyên đề về công tác xây dựng Đảng. Đó là Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI và XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII với Kết luận 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. 

Không chỉ trong khu vực nhà nước, kiểm soát tham nhũng, tiêu cực được mở rộng ra cả khu vực ngoài nhà nước. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung bốn tội danh về tham nhũng đối với khu vực ngoài nhà nước; Luật PCTN năm 2018 dành một chương riêng nói về hoạt động PCTN ở khu vực ngoài nhà nước.

Nghiêm khắc cơ chế răn đe, xử lý

Những chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực đã tương đối đầy đủ. Hành lang chính trị pháp lý đã khá hoàn thiện. Trung ương đã thể hiện sự thống nhất, quyết tâm cao về ý chí và hành động khi thực hiện nghiêm khắc các cơ chế răn đe, xử lý.

Nhiều đại án kinh tế, tham nhũng đã bị lật tẩy như vụ Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19, vụ “chuyến bay giải cứu”, vụ “thao túng thị trường chứng khoán” của Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC ông Trịnh Văn Quyết.

Đặc biệt là đại án Vạn Thịnh Phát - một vụ bê bối kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng diễn ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), cầm đầu là tỷ phú Trương Mỹ Lan; tổng số tiền thiệt hại lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Trong số những tổ chức, cá nhân, cán bộ, đảng viên bị xử lý do liên quan đến những đại án kinh tế, tham nhũng, có nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.

Nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đã thi hành kỷ luật hàng trăm cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý; đến nhiệm kỳ Đại hội XIII thì sự quyết liệt, không có "vùng cấm", không có ngoại lệ đã minh chứng không chỉ bằng số lượng mà trong danh sách xử lý vi phạm có cả những cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, tướng lĩnh cao cấp trong lực lượng vũ trang.

PCTN, tiêu cực là cuộc chiến khó khăn, phức tạp. Xử lý cán bộ, đảng viên, đau xót nhưng vẫn phải làm, như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng tại Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN năm 2018 “… Mục đích kỷ luật là để "trị bệnh cứu người", cảnh tỉnh, răn đe, do đó phải quán triệt phương châm phòng ngừa chặt chẽ, ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn”.

Thuận Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.