Multimedia Đọc Báo in

Từng bước nâng thứ hạng Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh

08:06, 12/05/2024

Năm 2023, Chỉ số cải cách hành chính - PAR Index của tỉnh Đắk Lắk đứng thứ 28/63 tỉnh thành; tăng 10 bậc so với năm 2022.

Nhìn vào vị trí xếp hạng một số chỉ số có thể thấy Đắk Lắk đã có bước nhảy vọt đáng kể, tuy nhiên để đạt được mục tiêu đến năm 2025, Chỉ số cải cách hành chính tỉnh Đắk Lắk nằm trong nhóm 20 tỉnh dẫn đầu cả nước vẫn là một thách thức rất lớn. Sau đây là trao đổi của phóng viên Báo Đắk Lắk với Phó Giám đốc Sở Nội vụ, thành viên chuyên trách CCHC của tỉnh HOÀNG MẠNH HÙNG.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hoàng Mạnh Hùng.

♦ Thưa ông, trong năm 2023, công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh có những bước tiến đáng kể, thể hiện rõ nét ở Chỉ số CCHC tăng 10 bậc trên “bảng xếp hạng” cả nước. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?

Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2023 (SIPAS) và Chỉ số CCHC năm 2023 (PAR Index) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, Chỉ số CCHC năm 2023 của tỉnh Đắk Lắk đạt 87,33/100 điểm, xếp vị thứ 28/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cải thiện 10 bậc so với năm 2022, đứng đầu khu vực Tây Nguyên. Đó là kết quả của sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, sự nỗ lực chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh và các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong thực hiện công tác CCHC năm 2023.

Trong 8 lĩnh vực Chỉ số CCHC năm 2023, có 4/8 lĩnh vực nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, tăng 2 lĩnh vực so với năm 2022 (gồm: Chỉ đạo điều hành CCHC; Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính (TTHC); Cải cách tài chính công); 2/8 lĩnh vực nằm trong nhóm các tỉnh xếp hạng từ 20 – 40 tỉnh, thành phố (Cải cách chế độ công vụ; Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số) và 2/8 lĩnh vực nằm trong nhóm các tỉnh xếp hạng từ 41 – 63 tỉnh, thành phố (Cải cách tổ chức bộ máy hành chính; Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội).

♦ Trong 4 nhóm điểm các tiêu chí đánh giá Chỉ số CCHC là: Điểm do Bộ Nội vụ thẩm định; điểm tiêu chí tác động của CCHC đến phát triển kinh tế - xã hội; điểm tiêu chí khảo sát lãnh đạo quản lý của tỉnh về CCHC; điểm Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), theo ông đâu là nhóm chúng ta cần lưu ý để tăng điểm trong những năm tới?

Nhóm điểm đánh giá Chỉ số CCHC mà tỉnh cần tập trung các giải pháp tăng điểm trong thời gian tới là nhóm tiêu chí Tác động của CCHC đến phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), vì nhóm tiêu chí này đang xếp thứ hạng thấp (năm 2023 xếp thứ 60/63 tỉnh, thành phố). Trong đó, tập trung xây dựng giải pháp cải thiện về các mức độ: thu hút đầu tư của tỉnh; phát triển doanh nghiệp (DN); thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT-XH do HĐND tỉnh giao.

Thành viên Đoàn kiểm tra CCHC của tỉnh kiểm tra việc công khai thông tin TTHC tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana).

♦ Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, Chỉ số CCHC của tỉnh Đắk Lắk nằm trong top 20 của cả nước, tỉnh cần triển khai quyết liệt hơn nữa những giải pháp và nhiệm vụ nào, thưa ông?

Để đạt được mục tiêu này là một thách thức rất lớn và đòi hỏi nỗ lực đổi mới, sáng tạo rất lớn của tất cả các ngành, các cấp, của cả hệ thống chính trị của tỉnh để chung tay thực hiện CCHC; trong đó cần chỉ rõ và khắc phục các hạn chế, từng bước nâng thứ hạng Chỉ số CCHC của tỉnh; tiếp tục tập trung triển khai một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác CCHC; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện bảo đảm bám sát mục tiêu CCHC là lấy người dân, DN là trung tâm phục vụ.

Hai là, thực hiện đổi mới, sáng tạo và mạnh dạn triển khai thí điểm, nhân rộng các mô hình cải cách mới, có tính đột phá để kịp thời xử lý những tồn tại, những điểm nghẽn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Ba là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả, thực chất công tác cải cách TTHC; tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân, DN thực hiện giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục triển khai thực hiện số hóa hồ sơ TTHC; nâng cao tỷ lệ thanh toán điện tử.

Bốn là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, nhất là ở cấp xã; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp; nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Năm là, tiếp tục thông tin tuyên truyền CCHC để kịp thời hướng dẫn cho người dân thực hiện chuyển đổi số, thực hiện giải quyết TTHC theo hình thức trực tuyến nhằm phát huy sự tham gia đóng góp tích cực của người dân vào tiến trình chuyển đổi số, góp phần đẩy mạnh CCHC, thúc đẩy KT-XH phát triển.

Cùng với đó là tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, nhất là kiểm tra, giám sát đột xuất việc thực hiện công tác CCHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý, kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước của tỉnh, thúc đẩy phát triển KT-XH; tăng cường sự tham gia của MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân, DN trong việc giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của các cơ quan hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đi liền với các chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ và có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân…

♦ Xin cảm ơn ông!

Lan Anh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.