Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Cân nhắc việc tăng thu ngân sách bằng điều chỉnh thuế giá trị gia tăng

18:17, 24/06/2024

Chiều 24/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 với tỷ lệ tán thành 94,25%. Tiếp đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu nêu rõ, qua một thời gian dài thực hiện, Luật Thuế giá trị gia tăng đã bộc lộ những bất cập, hạn chế nhất định với nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tế, vì vậy việc sửa đổi Luật là cần thiết nhằm hoàn thiện chính sách phù hợp với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Đề án định hướng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) có tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của các tổ chức, cá nhân, người dân và doanh nghiệp. 

Toàn cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Toàn cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Liên quan tới đối tượng không chịu thuế, theo đại biểu, việc rà soát, sửa đổi quy định về đối tượng không chịu thuế theo hướng loại bỏ hoặc bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ so với quy định hiện hành để phù hợp với thực tiễn là rất cần thiết.

Tuy nhiên, bên cạnh các trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào thì hiện còn một số trường hợp khác như trường hợp các tổ chức, cá nhân chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, hợp tác xã...

Chính vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ hơn cơ sở pháp lý và đánh giá tác động đối với việc xác định các trường hợp đã được quy định tại Nghị định số 209/2013/NĐ-CP mà không được tiếp tục cho phép khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và đầu ra không phải tính thuế giá trị gia tăng như dự thảo Luật xác định.

Về quy định mức thuế suất 5% áp dụng đối với phân bón, đại biểu nhận thấy dự thảo Luật lần này đã chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế suất 5%. Theo cơ quan soạn thảo, các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ phục vụ sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm khiến giá thành sản phẩm tăng, lợi nhuận giảm, bất lợi cho việc cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu nhận thấy việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành sản xuất phân bón trong nước là vô cùng cần thiết và cần tiếp tục cân nhắc, nghiên cứu kỹ việc chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế suất 5%.

Vì phân bón là một trong những hàng hóa đầu vào quan trọng của sản xuất nông nghiệp, là hàng hóa sử dụng thiết yếu, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, đặc biệt là người nông dân sẽ chịu tác động lớn bởi quy định này.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục cân nhắc, đánh giá tác động kỹ lưỡng nhiều mặt, đánh giá tác động từ phía các doanh nghiệp sản xuất phân bón cũng như đánh giá tác động từ phía người nông dân trực tiếp sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp.

Liên quan đến quy định máy móc, thiết bị chuyên dùng trong phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang đối tượng chịu thuế suất 5%. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc đánh giá tác động kỹ hơn, nhất là tác động đến việc đánh bắt thủy, hải sản xa bờ, tác động đến nông dân, ngư dân trong việc sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, vươn khơi bám biển. 

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, việc sửa đổi luật đưa mức chịu thuế từ 0% lên 5% như dự thảo luật đối với một số mặt hàng là đầu vào của sản xuất, như vậy các doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng này sẽ giảm sức cạnh tranh, gây áp lực lạm phát các mặt hàng tiêu dùng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Việc thiết kế hai chính sách này rất dễ gây xung đột chính sách khi thực hiện chính sách tài khóa mở rộng nhưng lại đưa đối tượng mới chịu thuế, sẽ làm giảm chính sách tài khóa mở rộng chúng ta đang thực hiện. 

Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần thiết kế chính sách theo lộ trình, nhất là đối với sản phẩm nông nghiệp cần tính toán lại chính sách thuế hợp lý, có thể đưa vào mức chịu thuế 0% thay vì 5% như dự thảo luật để doanh nghiệp được khấu trừ thuế, nhưng sản phẩm lương thực thực phẩm đầu ra không bị áp lực tăng giá, mà vẫn thực thi chính sách tài khóa mở rộng tốt hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn. 

Ngoài ra, đại biểu cho rằng, trong dự thảo luật chưa thiết kế lộ trình áp dụng như thế nào; hơn nữa từ nay đến cuối năm 2025 chúng ta cần tiếp tục thực hiện những chính sách tài khóa mở rộng, trong đó chính sách tài khóa còn dư địa rất nhiều. Do đó, cần thiết kế theo hướng giao Chính phủ đưa vào đối tượng chịu thuế đúng với lộ trình cải cách thuế nhưng cần có thời gian thực hiện phù hợp với điều kiện tình hình thực tế.

Thảo luận tại phiên họp, một số đại biểu cho rằng, việc sửa đổi luật lần này không nên đặt mục tiêu tăng thu ngân sách nhà nước. Bởi theo thống kê, việc thu thuế giá trị tăng luôn chiếm tỉ trọng khá cao, tỉ lệ huy động từ thuế giá trị gia tăng thuộc nhóm tỷ lệ cao so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, chỉ số đánh giá mức độ huy động thuế là năng suất thu và hiệu suất thu thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam đều cao, thể hiện việc thu thuế giá trị gia tăng rất hiệu quả. 

Theo đại biểu, thuế giá trị gia tăng là thuế áp dụng đối với người tiêu dùng, không phải đối với người sản xuất. Tuy nhiên, khi giá hàng hóa tăng lên, mức tiêu thụ hàng hoá sẽ giảm, từ đó ảnh hưởng đến người sản xuất, và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực sản xuất.

Đại biểu nêu rõ, để phục hồi kinh tế, trong 2 năm qua đã phải giảm thuế mới kích thích được sản xuất. Do đó, đại biểu đề nghị không nên tăng thu ngân sách bằng việc điều chỉnh thuế giá trị gia tăng. Để tăng thu ngân sách, đại biểu cho rằng có thể nghiên cứu thuế tài sản và thuế bảo vệ môi trường…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: quochoi.vn

Giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thuế VAT có phạm vi điều tiết rất rộng và đánh vào hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ nên sẽ liên quan đến lợi ích của nhiều nhà sản xuất, kinh doanh.

Vì vậy, quy định trong dự thảo cần làm thế nào để đảm bảo cho sản xuất phát triển, thương mại phát triển, từ đó quy định thống nhất theo đúng Chiến lược thuế theo nghị quyết của Đảng, nên ban soạn thảo nghiên cứu hết sức chặt chẽ và đánh giá tác động của từng vấn đề liên quan đến chính sách thuế VAT, bao quát được các nguồn thu, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bộ trưởng cho biết, theo chiến lược đến năm 2030 phải huy động vào ngân sách 16-17% GDP, trong đó thuế và phí là 14-15% GDP, tỷ lệ thu nội địa phải đạt được 86-87%. Qua ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, lắng nghe ý kiến và đánh giá lại tác động của từng gói chính sách và những vấn đề đang còn tranh luận để đến kỳ họp sau đảm bảo thống nhất khi ban hành.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng giải trình một số vấn đề có nhiều ý kiến đại biểu nêu liên quan đến quy định giao Chính phủ quy định hàng hóa, dịch vụ hộ gia đình, cá nhân không chịu thuế VAT.

Bộ trưởng cho biết, quy định trong luật phải đảm bảo phù hợp với xu thế của thế giới và thuế thật sự là công cụ để bảo vệ nền kinh tế và phải thích ứng với quá trình lãnh đạo điều hành và quản lý nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế vĩ mô. Do vậy, việc phân cấp cho Chính phủ là hết sức quan trọng và đảm bảo sự linh hoạt và hiệu quả trong quá trình điều hành.

Đối với hàng hóa phân bón, Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ đánh giá lại tác động để trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay…

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc