Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội

14:48, 20/06/2024

Sáng 20/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Quy hoạch đưa ra 8 quan điểm mang tính chiến lược, cốt lõi cho phát triển Thủ đô. Trong đó, có quan điểm lấy kinh tế, phát triển không gian đô thị là động lực phát triển chủ yếu. Phát triển sông Hồng là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô, trục văn hóa di sản, du lịch văn hóa kết nối vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng.

Phát triển không gian đô thị theo mô hình đô thị trung tâm và các "thành phố trong Thủ đô”, các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái; kết hợp phát triển nông nghiệp nông thôn sinh thái, văn minh, có bản sắc của nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ...

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: qdnd.vn
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: qdnd.vn

Phát biểu thảo luận tại phiên làm việc, đại biểu bày tỏ sự ấn tượng về phương án phát triển trục sông Hồng, để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển Thủ đô. Đại biểu cũng đồng tình với các định hướng, giải pháp thành phố đưa ra trong cải tạo chung cư cũ, đặc biệt cấp thiết trong tình hình cháy nổ đang xảy ra hết sức nghiêm trọng hiện nay, hay việc giải quyết các dòng sông ô nhiễm, các vấn đề về rác thải, nước thải...

Về quy hoạch đô thị, đại biểu đề xuất, việc lập các đồ án quy hoạch mới là cơ hội để thành phố thay đổi, hạn chế việc phát triển nhà ống; không phát triển nhà cao tầng trong nội đô.

Đại biểu cho rằng, Quy hoạch Thủ đô là quy hoạch tỉnh, nhưng không phải như các tỉnh khác, chỉ lập quy hoạch cho một địa phương, mà đây là quy hoạch cho Thủ đô của cả nước, mang tất cả những yếu tố, hội tụ, đại diện cho sự phát triển của cả nước. Chính vì vậy, quy hoạch này nhận được sự quan tâm, thu hút hàng trăm nhà khoa học cả nước, thuộc nhiều lĩnh vực để có được sản phẩm quy hoạch “hài lòng và yên tâm”.

Để quy hoạch được triển khai thực hiện theo những điểm đã chỉ ra, theo đại biểu, có 3 vấn đề cần quan tâm: Giải quyết nút thắt lớn nhất của Thủ đô về giao thông, trong đó, trọng tâm là đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị; đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải tách khỏi hệ thống nước mưa, xây dựng khu vực xử lý nước thải cục bộ, tập trung và cuối cùng là cần có cơ chế hỗ trợ cho người dân khu vực phố cổ để cải tạo, chỉnh trang lại khu vực nội đô lịch sử.

Phân tích sâu hơn về việc đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị, đại biểu cho rằng đây sẽ là một hệ thống mạng lưới đường sắt đủ khả năng kết nối giao thông cho người dân, người dân có thể di chuyển đến bất kể một địa điểm nào trên khu vực Thủ đô. Theo đại biểu, khi sử dụng đường sắt thì các phương tiện giao thông cá nhân sẽ dần được thay thế và những vấn đề về ùn tắc hay ô nhiễm môi trường hiện nay sẽ được giải quyết thông qua việc phát triển hệ thống đường sắt này. 

Ngoài ra, khi mạng lưới đường sắt phát triển thì việc kết nối với các vùng ngoại thành sẽ giãn các hoạt động kinh tế đang tập trung ở nội đô ra những vùng đô thị mới; đặc biệt là hệ thống đường sắt này còn kết nối với các tỉnh như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam.

Mặt khác, theo đại biểu, quy hoạch sẽ phát triển hệ thống không gian ngầm bên dưới lòng đất trở thành một khu thương mại dịch vụ, còn trên mặt đất là không gian trống để phát triển cây xanh, phát triển công cộng... 

Giải trình một số nội dung liên quan, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2011 tại Quyết định 1259-QĐ/TTg, qua một thời gian thực hiện đã phát huy được hiệu quả và đóng góp tích cực vào sự phát triển Thủ đô, tuy nhiên trong quá trình triển khai đã nảy sinh những bất cập. Để đáp ứng yêu cầu phát triển mới, tạo không gian phát triển mới cho Thủ đô, cần thiết phải điều chỉnh Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu làm rõ một số nội dung. Ảnh: kinhtedothi.vn
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu làm rõ một số nội dung. Ảnh: kinhtedothi.vn

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh một số nội dung mới của đồ án, đó là định hướng phát triển có tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và cũng phù hợp với các quy hoạch cấp trên theo hệ thống quy hoạch chúng ta thực hiện theo Luật Quy hoạch năm 2017.

Đồ án lần này được điều chỉnh gắn với các chiến lược phát triển như hợp tác liên kết, phát triển văn hóa di sản, phát triển xanh, xác lập môi trường đáng sống, đô thị thông minh và bền vững; xác lập các cơ chế năng động, đặc thù cho Thủ đô.

Điểm mới tiếp theo của của đồ án lần này là từ thực tế phát triển và qua rà soát, đánh giá chúng ta điều chỉnh dự báo phát triển cho Thủ đô để phù hợp với quy hoạch Thủ đô như đã báo cáo Quốc hội tại buổi họp ngày hôm nay.

Đồ án đã kế thừa và điều chỉnh quy mô cấu trúc đô thị. Cấu trúc đô thị là chùm đô thị đa cực, đa trung tâm với 5 vùng đô thị: vùng đô thị trung tâm; vùng đô thị phía đông; vùng đô thị phía bắc; vùng đô thị phía tây; vùng đô thị phía nam. Hệ thống các đô thị này phân cách bằng các hành lang xanh cũng như liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai, giao thông hướng tâm.

Trong đồ án lần này cũng đặt vấn đề kiểm soát phát triển không gian đô thị và nông thôn. Đồ án xây dựng hình thái quy hoạch kiến trúc đặc trưng cho Thủ đô Hà Nội tại khu vực đô thị, nông thôn cũng như phải kiểm soát chặt chẽ quy hoạch về chiều cao công trình, mật độ xây dựng của từng khu vực - đặc biệt là khu vực nội đô. Đồng thời, việc lựa chọn các chỉ tiêu sử dụng đất, sử dụng không gian, hạ tầng kỹ thuật và yêu cầu phát triển trong khu vực chức năng đặc thù cũng được làm rõ trong đồ án lần này.

Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: congly.vn
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: congly.vn

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, điểm mới nữa là đồ án đã điều chỉnh, bổ sung các giải pháp quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật xanh và thông minh để phù hợp với định hướng phát triển của Thủ đô; phù hợp với định hướng phát triển trong các quy hoạch ngành quốc gia qua từng giai đoạn để đảm bảo kết nối hạ tầng vùng, phát triển giao thông công cộng thông minh cũng như phát triển hạ tầng kỹ thuật khác.

Đồ án cũng tập trung cho làm rõ công tác cải tạo, tái thiết đô thị và nông thôn; khu vực nội đô, khu vực đô thị, làng xóm được đô thị hóa; cải tạo các khu dân cư, các khu chung cư cũ...

Ngoài ra, xác định rõ các chương trình, dự án trọng tâm, đột phá, trong đó tập trung làm rõ mối liên hệ, vai trò, vị trí mỗi liên kết vùng để tập trung, chia sẻ chức năng của Thủ đô Hà Nội đối với các địa phương trong vùng, nhằm bảo đảm bảo khai thác tối đa, hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của Thủ đô Hà Nội cũng như các địa phương.

Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô, trong quy hoạch đã xác định phát triển Cảng hàng không thứ 2 trong vùng Thủ đô cũng như để xác định hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật phục vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong thời gian, giai đoạn sắp tới.

Quy hoạch này cũng thể hiện tập trung cho cải thiện môi trường cho Thủ đô Hà Nội, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, tổng thể để khắc phục ô nhiễm môi trường trong không khí, môi trường nước cũng như các vấn đề ô nhiễm môi trường khác ở Thủ đô bằng việc thực hiện đồng bộ giải pháp.

Cụ thể như phát triển xanh, chuyển đổi xanh; giảm thiểu các nguồn ô nhiễm như chuyển đổi hình thức giao thông công cộng, công nghệ sản xuất cũng như cho công nghệ xử lý rác thải, nước thải đầu tư cho Thủ đô theo từng giai đoạn…

Sau phiên thảo luận toàn thể tại hội trường, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.