Cải thiện chỉ số cải cách hành chính: Bắt đầu từ mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương
Tỉnh Đắk Lắk vừa công bố Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 của các sở, ngành, địa phương. Theo Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, kết quả này thể hiện đúng, sát tình hình thực tế tại các sở, ngành, địa phương.
Đánh giá CCHC năm 2023 của tỉnh được thực hiện thông qua điều tra xã hội học tại 18 sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Phiếu khảo sát được thực hiện ở 5 nhóm đối tượng: đại biểu HĐND huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, thị xã, thành phố đánh giá CCHC đối với các sở, ban, ngành theo ngành dọc; lãnh đạo UBND cấp xã đánh giá CCHC của UBND huyện, thị xã, thành phố; người dân, doanh nghiệp hoặc tổ chức có sử dụng dịch vụ hành chính công năm 2023; công chức tự đánh giá đối với CCHC của cơ quan, địa phương mình công tác.
Hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. |
Kết quả đánh giá, xếp hạng, ở cấp sở, Sở NN-PTNT đứng đầu với 93,38%; xếp thứ hai là Sở Khoa học và Công nghệ với 91,89%; Sở Ngoại vụ xếp thứ ba với 91,41%. Đơn vị có chỉ số CCHC xếp cuối bảng là Sở GĐ-ĐT với 84,86%. Đối với cấp huyện, địa phương, dẫn đầu chỉ số CCHC năm 2023 là TP. Buôn Ma Thuột với 94,36%, xếp thứ hai là huyện Krông Năng với 93,21% và xếp thứ ba là huyện Krông Pắc với 92,14%. Địa phương có chỉ số CCHC thấp nhất là huyện Krông Búk với 80,02%.
“Cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai công tác CCHC; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm với kết quả CCHC trong phạm vi quản lý. Đặc biệt, quan tâm bố trí đủ nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ CCHC; tiếp tục đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính…" - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh. |
Phân tích kết quả Chỉ số CCHC năm 2023 cho thấy, ở từng lĩnh vực đối với từng sở, ngành, địa phương có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận. Về công tác chỉ đạo, điều hành CCHC: dẫn đầu ở cấp sở là Sở NN-PTNT; cấp huyện là huyện Krông Năng, Krông Pắc, thị xã Buôn Hồ, Cư Kuin. Về cải cách thể chế: đứng đầu là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và TP. Buôn Ma Thuột.
Còn đối với chỉ số thành phần Cải cách thủ tục hành chính ở địa phương cũng có sự thay đổi tích cực. Trong đó, xếp hạng ở bảng đầu là huyện Krông Năng, Krông Pắc, thị xã Buôn Hồ và huyện Krông Bông. Về công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đơn vị đứng đầu đạt điểm cao nhất cấp sở là Sở Tư pháp, cấp huyện là huyện Krông Ana…
Ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh nhận định, kết quả đánh giá, xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2023 của các sở, ngành, địa phương cao hơn năm 2022, từ đó đã tác động tích cực, góp phần cải thiện chỉ số CCHC chung của tỉnh. Điều này cho thấy các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã quan tâm, triển khai nhiều nội dung, kế hoạch, đề ra các giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm cải thiện các chỉ số thành phần trong Bộ chỉ số CCHC năm 2023.
Tuy nhiên, nhìn vào kết quả xếp hạng, đánh giá Chỉ số CCHC năm 2023 của các sở, ngành, địa phương trong tỉnh dễ dàng nhận thấy có sự chênh lệnh, khoảng cách giữa đơn vị dẫn đầu và cuối bảng xếp hạng tương đối lớn.
Nếu như Sở NN-PTNT dẫn đầu với 93,38% thì Sở GĐ-ĐT đứng cuối bảng với 84,86% (chênh lệnh 8,52%); tương tự, TP. Buôn Ma Thuột dẫn đầu bảng xếp hạng ở cấp huyện với 94,36% thì huyện Krông Búk đứng cuối với 80,02% (chênh lệnh đến 14,34%). Điều này cũng nói lên tính hiệu quả trong triển khai công tác CCHC tại các địa phương trong tỉnh.
Qua đó đòi hỏi phải có những giải pháp, chỉ đạo điều hành quyết liệt, sâu sát hơn nữa, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương để thực hiện công tác CCHC hiệu quả, mang lại dịch vụ tốt nhất cho người dân.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC ở địa phương thời gian qua vẫn còn hạn chế như: sáng kiến, giải pháp hay về CCHC chủ yếu tập trung tại các đơn vị đầu mối tham mưu CCHC cấp tỉnh, còn các sở, ban, ngành khác hoặc cấp huyện có rất ít sáng kiến đạt yêu cầu.
Tình trạng trễ hạn trong giải quyết hồ sơ vẫn còn tồn tại ở cả ba cấp chính quyền; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức còn hạn chế; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã có chuyển biến nhưng hiệu quả chưa cao; các dịch vụ thanh toán trực tuyến chưa khuyến khích được nhiều người sử dụng…
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa TP. Buôn Ma Thuột. |
Vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác CCHC 6 tháng đầu năm 2024, bàn phương hướng, biện pháp nhằm cải thiện chỉ số CCHC của tỉnh. Qua thảo luận, để có đột phá, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có kế hoạch, giải pháp thiết thực để tạo chuyển biến, đẩy mạnh thực hiện CCHC.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh nhấn mạnh, công tác chỉ đạo điều hành có ý nghĩa quyết định, tác động mạnh mẽ đến kết quả CCHC, theo đó, trong thời gian tới cần tiếp tục tăng cường công tác điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo các sở, ngành, UBND các cấp trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC; mỗi sở, ban, ngành lựa chọn các nhiệm vụ CCHC để tập trung triển khai đến cấp huyện, từ đó tạo ra sự lan tỏa cho toàn bộ các nội dung, nhiệm vụ CCHC.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc