Multimedia Đọc Báo in

Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Lắk:

Thảo luận, góp ý chất lượng, phản ánh kịp thời nguyện vọng của cử tri đến Quốc hội

08:18, 08/07/2024

Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XV vừa khép lại với nhiều kết quả quan trọng. Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đắk Lắk đã chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả vào tất cả chương trình nghị sự, góp phần quan trọng vào thành công chung của kỳ họp.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh LÊ THỊ THANH XUÂN chung quanh nội dung này.

♦ Thưa bà, Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XV vừa kết thúc thành công tốt đẹp với nhiều quyết nghị quan trọng. Bà có thể chia sẻ những điểm nhấn tại kỳ họp lần này?

Sau 27,5 ngày họp với khối lượng công việc lớn, Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp với nhiều kết quả nổi bật, được ĐBQH, cử tri và nhân dân đánh giá cao.

Tại kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, các vấn đề về kinh tế - xã hội (KT-XH), ngân sách nhà nước; thảo luận, cho ý kiến, thông qua đối với các dự án luật; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; thực hiện chức năng giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng khác. Đó là những điểm nhấn nổi bật của Kỳ họp Quốc hội thứ Bảy.

Đặc biệt tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết quan trọng. So với các kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, đây là kỳ họp đã thông qua và ban hành nhiều luật, dự thảo nghị quyết nhất. Đây đều là những luật, nghị quyết quan trọng, bao quát nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, có tác động rất lớn đến phát triển KT-XH, cũng như đời sống của người dân.

Quốc hội cũng đã cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật; xem xét báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước năm 2023 và tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng khác.

♦ Kỳ họp lần này diễn ra với khối lượng công việc lớn cả về lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng. Xin bà cho biết những hoạt động chính của Đoàn ĐBQH tỉnh tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XV?

Với khối lượng công việc lớn cả về lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XV như vậy, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chuẩn bị sớm các nội dung để tham gia kỳ họp. 

Trước khi tham dự Kỳ họp thứ Bảy, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 7 hội nghị tiếp xúc cử tri (TXCT); 2 hội nghị lấy ý kiến góp ý của Thường trực HĐND tỉnh, các ban của HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan đối với 9 dự thảo luật. Phối hợp với Công an tỉnh tổ chức 1 hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với 6 dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình tại Kỳ họp thứ Bảy. Tổ chức lấy ý kiến góp ý bằng văn bản của các sở, ban, ngành có liên quan đối với 17 dự thảo luật.

Mặt khác, nhằm chuẩn bị các nội dung thảo luận, tham gia ý kiến tại kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp báo cáo tình hình phát triển KT-XH và những kiến nghị đề xuất của tỉnh đối với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành; gửi báo cáo tổng hợp kiến nghị, đề xuất đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để chuyển đến Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan hữu quan xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tại Kỳ họp thứ Bảy, với tinh thần trách nhiệm cao, các vị ĐBQH trong Đoàn đã tập trung nghiên cứu, tham gia thảo luận, góp ý có chất lượng về các vấn đề KT-XH, ngân sách nhà nước; các dự án luật được xem xét thông qua, cho ý kiến tại kỳ họp và quyết định những vấn đề quan trọng khác. Qua đó, ĐBQH trong đoàn đã có 8 lượt phát biểu tại các phiên thảo luận ở hội trường, 27 lượt phát biểu tại các phiên thảo luận ở tổ.

Hầu hết các ý kiến phát biểu thảo luận của các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh đều xuất phát từ những kiến nghị của cử tri; những vấn đề được nhân dân quan tâm; các vấn đề tồn tại, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật và triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH tại địa phương nên có tính thực tiễn cao, đã được UBTVQH, Chính phủ ghi nhận, tiếp thu, được cử tri và các cơ quan báo chí quan tâm, theo dõi. Tại kỳ họp, có một đại biểu của đoàn chất vấn bằng văn bản đối với Chánh án TAND tối cao.

Ngoài các phiên họp chính thức, các vị ĐBQH còn tích cực tham gia các phiên họp do UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội mà mình là thành viên. Bên lề kỳ họp, một số đại biểu trên cương vị công tác của mình đã tranh thủ gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo các bộ, ngành về những vấn đề nổi cộm mà cử tri quan tâm, đề xuất tháo gỡ các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH tại địa phương.

Các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tham gia thảo luận, chất vấn tại các phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

♦ Ngay sau kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh có kế hoạch, hoạt động gì nhằm triển khai thực hiện các nội dung chương trình, các luật, nghị quyết đã thông qua đến với người dân trên địa bàn tỉnh, thưa bà?

Trước hết, đoàn sẽ bám sát kế hoạch của UBTVQH về triển khai các luật, nghị quyết đã được thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy. Như các lần trước, sau kỳ họp, UBTVQH sẽ tổ chức hội nghị triển khai trên phạm vi toàn quốc nhằm quán triệt những điểm mới, nội dung quan trọng, các nhiệm vụ được Quốc hội giao, cũng như làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, xác định rõ tiến độ và yêu cầu trong tổ chức thi hành luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua. Về phía địa phương, chúng tôi cũng sẽ phối hợp mời Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ngành và đơn vị có liên quan tham gia hội nghị này.

Bên cạnh đó, sau Kỳ họp thứ Bảy, đoàn sẽ tổ chức TXCT, qua đó lồng ghép thông tin, phổ biến các luật, nghị quyết đã thông qua đến với chính quyền địa phương các cấp, các sở, ban, ngành và đông đảo cử tri, người dân trên địa bàn tỉnh, góp phần tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội hiệu quả hơn.

Ngoài ra, với trách nhiệm của mình, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát việc triển khai các chính sách, pháp luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy; thường xuyên đôn đốc UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong triển khai, thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội. Đối với các vấn đề vượt thẩm quyền của địa phương, đoàn sẽ có kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành để có giải pháp triển khai, bảo đảm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống.

♦ Xin cảm ơn bà!

Lan Anh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.