Multimedia Đọc Báo in

Kết tinh trí tuệ của toàn Đảng và toàn dân

08:33, 24/07/2024

Không chỉ là nhà lãnh đạo kiệt xuất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là nhà lý luận tài năng, có nhiều đóng góp cho hệ thống lý luận đổi mới của Đảng với nhiều công trình sách, bài viết thể hiện tầm cao lý luận, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn cách mạng.

Triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng trong toàn Đảng bộ tỉnh từ tháng 3/2024 đến tháng 3/2025 với chủ đề "Tự hào dưới cờ Đảng quang vinh", Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh quán triệt nội dung hai tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua sự truyền đạt của Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Lê Hải Bình.

Cháy bỏng khát vọng xây dựng đất nước “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”

Bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tái hiện những trang sử vẻ vang của dân tộc, của Đảng từ khi “Đảng ta ra đời, lãnh đạo đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” đến khi “Đảng lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Các đại biểu tham dự Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh quán triệt nội dung hai tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cùng với việc tái hiện những thành tựu to lớn của sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng qua sự khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”, bài viết còn vạch rõ khó khăn, thách thức mà Đảng ta, đất nước ta đã và đang phải đối mặt. Đồng thời đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong từng lĩnh vực và việc chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Bài viết cũng cung cấp thêm những căn cứ lý luận thực tiễn quan trọng cũng như củng cố thêm niềm tin, sự quyết tâm để đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, góp phần bảo vệ Đảng bằng tất cả lương tâm và trách nhiệm của mỗi đảng viên.

Bài viết như một quyết tâm thư mà Tổng Bí thư gửi đến toàn Đảng, toàn quân: “Tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại và dân tộc Việt Nam anh hùng; tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng cách mạng chân chính và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Khẳng định vị thế của đất nước bằng nghệ thuật ngoại giao “dĩ bất biến ứng vạn biến”

Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” tuyển chọn các bài nói, bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, thư, điện… của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thể hiện tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta về đường lối đối ngoại, ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ mới.

Nội dung cốt lõi, xuyên suốt của cuốn sách đã khẳng định đồng chí Nguyễn Phú Trọng là người xây dựng, hoàn thiện đường lối đối ngoại “ngoại giao cây tre Việt Nam”, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu lên lần đầu tiên trong Hội nghị đối ngoại toàn quốc (14/12/2021). Đó là vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân; đoàn kết, nhân ái nhưng luôn luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Đây là sự đúc kết, hình tượng hóa đường lối đối ngoại mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang thực hiện với những đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước.

Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên nghiên cứu các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Hương Lý

Qua đó, Tổng Bí thư yêu cầu phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển. Đó chính là nghệ thuật ngoại giao “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Trong đó “tiên phong trước hết cần thể hiện trong tư duy, nhận thức; tiên phong trong bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; tiên phong trong kiến tạo cơ hội để thúc đẩy lợi ích của quốc gia - dân tộc; tiên phong trong kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là gắn kết sức mạnh cộng đồng người Việt Nam trong và ngoài nước”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đối ngoại là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, quản lý tập trung của Nhà nước; sự kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, giữa đối ngoại chính trị, đối ngoại kinh tế, đối ngoại văn hóa, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại an ninh và đối ngoại trong các lĩnh vực khác”.

Việc thực hiện đồng bộ và phối hợp chặt chẽ giữa ba trụ cột đối ngoại tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền ngoại giao Việt Nam, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng nhưng luôn vì lợi ích của quốc gia - dân tộc và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Đây vừa là truyền thống quý báu, vừa thể hiện sáng tạo, độc đáo của nghệ thuật đối ngoại, ngoại giao cách mạng Việt Nam được Tổng Bí thư phân tích, lý giải và định hướng cụ thể bằng nhãn quan chính trị sâu sắc và tầm tư duy chiến lược. Đường lối đối ngoại “ngoại giao cây tre Việt Nam” là bước phát triển về tư duy đối ngoại Việt Nam, vừa là yêu cầu cấp thiết, vừa có ý nghĩa lâu dài, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới để tiếp tục khẳng định cơ đồ, vị thế, uy tín, sức mạnh của quốc gia, dân tộc Việt Nam sau gần 40 năm đất nước đổi mới.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.