Đoàn công tác Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng làm việc tại vùng Tây Nguyên
Sáng 2/8, tại TP. Buôn Ma Thuột, Đoàn công tác Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng do đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ, thành viên Thường trực Tiểu ban chủ trì khảo sát, làm việc tại vùng Tây Nguyên.
Tham gia Đoàn công tác có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan.
Về phía tỉnh Đắk Lắk có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị; Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Chiến Hòa; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương; cùng lãnh đạo các tỉnh: Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai...
Đại biểu tham dự buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương trong vùng báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh; chia sẻ những kinh nghiệm, bài học cùng những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển địa phương; đồng thời, đề xuất, kiến nghị với đoàn công tác liên quan đến lĩnh vực giao thông, đất đai, khai thác khoáng sản, bảo tồn văn hóa, phát triển giáo dục; có cơ chế chính sách đặc thù để thu hút đầu tư vào Vùng...
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị báo cáo tại buổi làm việc. |
Đối với tỉnh Đắk Lắk, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị cho biết: Trong hơn 3 năm qua, tỉnh đã hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh đề ra, vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Trong 16 chỉ tiêu chủ yếu, đến hết năm 2023, đã thực hiện đạt và vượt 10/16 chỉ tiêu theo kế hoạc 3 năm 2021 - 2023 của tỉnh đề ra.
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được tích cực thực hiện, có nhiều công ty, tập đoàn có tiềm năng vào tìm hiểu đầu tư tại tỉnh Đắk Lắk, góp phần quan trọng trong kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và huy động ngày càng nhiều hơn các nguồn lực cho đầu tư trên địa bàn. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, có tốc độ tăng trưởng khá, khẳng định vai trò là trụ đỡ cho nền kinh tế của cả tỉnh. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, từng bước được hoàn thiện...
Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông báo cáo tại buổi làm việc. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Đắk Lắk vẫn còn một số hạn chế, khó khăn nhất định, như: Tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu nội bộ từng ngành nói riêng còn chậm; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và quản lý đất đai còn bất cập, đặc biệt là việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện còn chậm; một số quy hoạch không phù hợp và chồng lấn với quy hoạch khác nên khi triển khai đã vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng, bàn giao mặt bằng để triển khai các dự án. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn còn khó khăn; số lượng doanh nghiệp thành lập mới chưa đạt kế hoạch đề ra. Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số mới đạt được kết quả bước đầu, vẫn còn khoảng cách xa so với mục tiêu đề ra...
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cũng đề nghị xem xét một số nội dung trong báo cáo phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030, cũng như dự thảo về cơ chế, chính sách đặc thù vùng Tây Nguyên: Tiếp tục tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, quy mô lớn, nhất là về giao thông, năng lượng và hạ tầng số. Ưu tiên các chính sách về nguồn lực, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông liên vùng, trọng điểm; trong đó ưu tiên đầu tư các dự án theo mục tiêu Nghị quyết 23-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng vùng Tây Nguyên, Quy hoạch vùng Tây Nguyên và Quy hoạch và kế hoạch phát triển đường bộ, đường sắt quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Có cơ chế, chính sách riêng cho những tỉnh có điều kiện phát triển điện gió, điện mặt trời ở những nơi đảm bảo điều kiện. Trung ương quan tâm có cơ chế, chính sách đặc thù ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược, tiềm năng đầu tư trong các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của vùng. Có chính sách đặc thù hỗ trợ đối với các nghệ nhân trong cả nước nói chung, khu vực Tây Nguyên nói riêng nhằm động viên, khích lệ để tiếp tục cống hiến trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Tiếp tục quan tâm, có chính sách phù hợp nhằm giải quyết vấn đề thiếu đất, thiếu việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số của vùng Tây Nguyên. Có giải pháp, chính sách phù hợp để giải quyết dứt điểm vấn đề đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số đã đưa vào các nông lâm trường quốc doanh nay thực hiện cổ phần hóa nhằm đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị của vùng...
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung chia sẻ, hiện nay, Tây Nguyên vẫn là vùng trũng so với các khu vực khác, cần sự đầu tư đặc biệt của Trung ương cũng như cần có các cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho vùng.
Bên cạnh đó, cần quan tâm vấn đề phân cấp đối với khu vực Tây Nguyên; phân cấp cho địa phương quyết định cục bộ quy hoạch chung là rất cần thiết; đồng thời, cần phân cấp cho các địa phương trong việc điều chỉnh quy hoạch chung trên cơ sở quy định của Nhà nước. Ngoài ra, hiện nay việc xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, tỉ lệ cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số là việc làm cấp thiết, nhưng ở cơ sở còn thấp hơn so với cấp tỉnh. Do đó, Trung ương cần có cơ chế, chính sách quan tâm đến cán bộ cơ sở, tăng số lượng, cơ sở vật chất, giáo viên đào tạo ở các trường dân tộc nội trú…
Đại diện Bộ Công thương trao đổi thông tin tại buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cũng đã thông tin tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ và giải pháp để phát triển các lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp, thông tin, nội vụ và công tác dân tộc. Đồng thời, trao đổi, phản hồi ý kiến, đề xuất của đại biểu các địa phương liên quan đến lĩnh vực phụ trách.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu kết luận buổi làm việc. |
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Tây Nguyên là một trong những vùng trọng điểm về quốc phòng, an ninh của cả nước; đổng thời khẳng định, những ý kiến tại hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng để Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng có cơ sở xây dựng báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Phó Thủ tướng Chính phủ biểu dương những nỗ lực cố gắng của các tỉnh Tây Nguyên trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh và cũng nhìn nhận những khó khăn của Tây Nguyên trong thu hút đầu tư ngoài ngân sách; tiềm năng nhiều, nhưng chính sách khai thác tiềm năng chưa hiệu quả.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị các địa phương vùng Tây Nguyên tiếp tục có ý kiến bằng văn bản cụ thể, nhất là những đề xuất các chính sách đặc thù để Bộ Kế hoạch Đầu tư tổng hợp, xây dựng...
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc