Multimedia Đọc Báo in

Khơi nguồn sức mạnh nội sinh của văn hóa

08:26, 14/08/2024

Trong tiến trình xây dựng đất nước, việc phát triển văn hóa, con người đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (gọi tắt là Nghị quyết 33) được cấp ủy, chính quyền tỉnh cụ thể hóa qua các nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động phù hợp với tình hình thực tế, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Chương trình số 41-CTr/TU ngày 26/8/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 33 đã đề ra các mục tiêu về xây dựng văn hóa và con người phát triển toàn diện, văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh thúc đẩy phát triển bền vững, xây dựng Đắk Lắk trở thành trung tâm phát triển của vùng Tây Nguyên, tạo nền tảng phát triển cho những năm tiếp theo. Tỉnh đã tập trung triển khai các giải pháp về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; xây dựng đội ngũ làm công tác văn hóa; tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa.

Việc xây dựng con người phát triển toàn diện được ưu tiên hàng đầu. Nhiều nguồn lực được huy động để đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Trong đó, hoàn thành và vượt chỉ tiêu về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (mỗi năm tăng 2%, đến năm 2023 là 68%) hỗ trợ đắc lực cho việc giáo dục toàn diện học sinh.

Một tiết mục văn nghệ tại Chương trình giao lưu văn hóa cồng chiêng TP. Buôn Ma Thuột ở Quảng trường 10/3.

Cùng với đó là việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Bộ quy tắc ứng xử “Người Đắk Lắk Văn minh -Thân thiện - Mến khách” gắn với Đề án số 08-ĐA/TU, ngày 28/3/2022 của Tỉnh ủy về “Phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” dần đi vào đời sống; môi trường văn hóa từng bước được cải thiện, các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư. Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng thôn, buôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình, gắn với việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có sức lan tỏa, tỷ lệ hộ được công nhận gia đình văn hóa đạt 86%; thôn, buôn, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa đạt 85%; cơ quan, đơn vị doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa đạt 92%.

Hoạt động văn học nghệ thuật ngày càng được quan tâm đầu tư, có sự khởi sắc, phản ánh chân thật, sinh động công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giới thiệu hình ảnh con người, quê hương Đắk Lắk; nhiều tác phẩm có giá trị, đạt giải khu vực, quốc gia, quốc tế.

Chủ trương xã hội hóa văn hóa và mở rộng hợp tác quốc tế cũng góp phần tăng cường nguồn lực cho các hoạt động văn hóa. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, tỉnh đã có cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa.

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, giá trị di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh được quan tâm với nhiều biện pháp nhằm gìn giữ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; đầu tư phục dựng, nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với văn hóa cồng chiêng…

Tôn trọng vai trò chủ thể của người dân

Bám sát tinh thần nghị quyết, các đơn vị, địa phương tùy chức năng, đặc điểm riêng có cách triển khai phù hợp. Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột được triển khai qua từng nội dung cụ thể phù hợp thực tế, như tổ chức giảng dạy tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS); khuyến khích mặc trang phục truyền thống của đồng bào các DTTS; duy trì hoạt động của câu lạc bộ cồng chiêng, văn hóa, văn nghệ dân gian; tu bổ, cải tạo, quy hoạch, quản lý các bến nước. Trong quá trình triển khai luôn chú trọng phát huy vai trò chủ thể của người dân, như khi xây dựng kế hoạch phát triển du lịch đối với các buôn có đông đồng bào DTTS hiện còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, địa phương tổ chức họp người dân các buôn, lắng nghe ý kiến, tạo sự đồng thuận.

Nghề dệt truyền thống của người Êđê ở xã Dray Sáp (huyện Krông Ana).

Ở huyện Krông Năng có đông đồng bào các DTTS sinh sống, tạo sự đa dạng phong phú trong đời sống văn hóa. Trong quá trình triển khai thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị… huyện đã đưa nội dung bài trừ mê tín dị đoan, xóa bỏ các hủ tục không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại, đưa vào trong các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá các thôn, buôn, tổ dân phố, hộ gia đình văn hóa hằng năm.

Trong chương trình hoạt động, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chú trọng việc đưa văn học nghệ thuật bám sát cuộc sống và phục vụ cuộc sống. Hội phối hợp tổ chức nhiều chuyến đi thực tế, là chất liệu cho hội viên sáng tạo ra các tác phẩm hướng tới chân - thiện - mỹ, đề cao những giá trị tốt đẹp, nhân văn; phê phán, ngăn chặn và đẩy lùi những cái xấu, cái ác, lạc hậu; bảo đảm quyền hưởng thụ và sáng tạo văn học nghệ thuật; góp phần vào dòng chảy của văn học nghệ thuật Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lại Đức Đại, các hoạt động văn hóa hiệu quả, đi vào đời sống luôn gắn với phát huy vai trò chủ thể của người dân. Thời gian qua, những hoạt động thiết thực như các câu lạc bộ về dệt thổ cẩm, cồng chiêng trên địa bàn tỉnh đã được thành lập, các lớp tập huấn, hướng dẫn truyền dạy nghề truyền thống được mở thường xuyên. Các câu lạc bộ, các lớp dạy nghề cũng được hỗ trợ vật dụng liên quan phục vụ việc học cũng như sử dụng lâu dài, nhằm đào tạo nghệ nhân trẻ kế cận; nhiều lễ hội được tổ chức định kỳ, không chỉ thu hút đông đảo du khách đến tham quan mà còn giúp người dân có thêm cơ hội giới thiệu, quảng bá các sản phẩm địa phương, qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, biên giới và miền núi.

Nghị quyết 33-NQ/TW xác định rõ quan điểm: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Hồng Ngọc


Ý kiến bạn đọc