Multimedia Đọc Báo in

Người uy tín lan tỏa giá trị tích cực trong cộng đồng

08:22, 27/08/2024

Huyện Buôn Đôn có 29 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 46%.

Theo Quyết định số 152/QĐ-UBND, ngày 1/2/2023 của UBND tỉnh phê duyệt danh sách người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2027, huyện Buôn Đôn có 59 người uy tín là các già làng, trưởng thôn, buôn, chức sắc tôn giáo. Trong những năm qua, bằng những việc làm cụ thể, hiệu quả, thiết thực cho thôn, buôn, người uy tín của huyện đang lan tỏa giá trị tích cực tới cộng đồng.

Ông Bùi Phương Đăng (dân tộc Thái) đưa gia đình rời huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) vào thôn Hòa Thanh (xã Ea Nuôl) lập nghiệp vào năm 1993. Sau hơn 19 năm định cư ở đây, ông Đăng được người dân trong thôn tín nhiệm bầu là người uy tín. Phát huy vai trò của mình, ông tích cực tuyên truyền, vận động bà con chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là thực hiện nhiều biện pháp để xây dựng cuộc sống ấm no bằng cách áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Cán bộ Phòng Dân tộc huyện và UBND xã Krông Na vận động người dân buôn Drang Phốk tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới.

Không chỉ vậy, ông Thanh còn cùng các đảng viên trong chi bộ, Ban công tác mặt trận thôn Hòa Thanh tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công lao động để mở rộng trục đường chính của thôn.

Để nêu gương, gia đình ông tiên phong chặt 40 cây điều, hiến 1.000 m2 đất rẫy. Thấy vậy, nhiều người dân trong thôn đã dịch chuyển hàng rào hiến đất, góp ngày công làm đường bê tông liên thôn.

Từ nhiều tuyến đường đất lầy lội, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự đồng lòng của nhân dân, đến nay đường làng, ngõ xóm của thôn Hòa Thanh cơ bản được bê tông hóa; nhà cửa chỉnh trang; thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/năm. “Đồng bào Thái ở đây không phân biệt nhà nhiều hay ít đất, lập nghiệp trước hay sau đã tự nguyện phá bỏ cây trồng, đất đai khi thôn, xã Ea Nuôl mở đường nhựa rộng 3 - 5 m qua rẫy vườn của họ”, ông Đăng cho biết.

Hay như ông Y Mốk Hra (dân tộc J'rai) - người uy tín ở buôn Drang Phốk (xã Krông Na) có 30 năm làm cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Don, nên từng cây rừng, từng dòng suối ở khu vực biên giới này ông tường tận hơn ai hết và càng hiểu rõ nỗi vất vả của ''lính giữ rừng", canh giữ biên cương Tổ quốc. Vì vậy, khi nghỉ hưu, ông tự nguyện tham gia tuần tra, bảo vệ biên giới cùng với bộ đội biên phòng. Theo đó, định kỳ hằng quý, ông lại cùng với chính quyền và cán bộ, chiến sĩ biên phòng băng rừng, lội suối tuần tra bảo vệ biên cương, mốc quốc giới.

Đường giao thông liên thôn do người dân thôn Hòa Thanh, xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) hiến đất mở rộng.
 

Những người uy tín huyện Buôn Đôn đã không quản ngại khó khăn, vận động bà con giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giải quyết êm thấm mọi vướng mắc, phát sinh trong cộng đồng, tạo sự đồng thuận để xây dựng thôn, buôn đoàn kết, bình yên, phát triển”.

 
Ông Sao Y Me, Trưởng Phòng Dân tộc huyện

Sự nhiệt tình, năng nổ tham gia bảo vệ rừng và an ninh khu vực biên giới của ông Y Mốk đã lan tỏa đến người dân trong buôn. Đến nay, toàn buôn có 29 hộ đăng ký tham gia tuần tra, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Với những đóng góp của mình, tháng 6 vừa qua, ông Y Mốk vinh dự là một trong ba người uy tín của xã Krông Na được tôn vinh tại chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ II năm 2024 do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp tổ chức tại TP. Hà Nội.

Ông Sao Y Me, Trưởng Phòng Dân tộc huyện cho hay, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025, phòng đã tham mưu cho UBND huyện triển khai nhiều hoạt động, trong đó có tổ chức gặp mặt, biểu dương 44 cá nhân là những quần chúng tiêu biểu, người uy tín; mở lớp bồi dưỡng kiến thức cho người uy tín nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về dân tộc và công tác dân tộc; tổ chức cho những người uy tín tham quan, học tập kinh nghiệm tại tỉnh Khánh Hòa…, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS.

Mỗi cá nhân là người uy tín trên địa bàn huyện có mức độ đóng góp và ảnh hưởng khác nhau trong cộng đồng, nhưng ở họ đều có một điểm chung: gương mẫu, tận tụy, nhiệt tình “nói dân tin, làm dân theo”.

Họ là nhịp cầu gắn kết ý Đảng - lòng dân, đã và đang có những đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS huyện Buôn Đôn.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.