Multimedia Đọc Báo in

Những quyết sách trên hành trình thế kỷ (kỳ cuối)

08:42, 12/09/2024

Kỳ cuối: “Tìm ngọc trong hạt vàng nâu”

Nói đến Đắk Lắk là nhắc đến cà phê. Chỉ thế cũng đủ thấy thế mạnh của cây trồng chủ lực này. Và hơn thế cũng minh chứng những nỗ lực xây dựng cơ đồ cho ngành cà phê, định vị trên bản đồ cà phê thế giới, trở thành thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam nói chung và vùng đất đỏ bazan Đắk Lắk nói riêng.

Trên bước đường phát triển kinh tế hơn một thế kỷ qua của Đắk Lắk luôn có cái tên cà phê. Đường hướng khai thác lợi thế nông sản này chính là hành trình “tìm ngọc trong hạt vàng nâu”, từ định hình, kiến tạo, quy hoạch, tổ chức sản xuất đến gia tăng giá trị và khẳng định thương hiệu.

Định hình, kiến tạo

Sau giải phóng, tỉnh đã tiến hành quốc hữu hóa các đồn điền cà phê của tư bản thực dân. Đồng thời thực hiện các chính sách để mở rộng diện tích cà phê và xây dựng hệ thống nông trường quốc doanh như: đưa công nhân cũ của đồn điền, vận động người có đất canh tác gần các nông trường cũng vào làm công nhân, đưa cán bộ có kỹ thuật về xây dựng bộ khung cho các nông trường, khai hoang mở rộng diện tích cà phê, xây dựng các hồ thủy lợi để bảo đảm nguồn nước tưới.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX xác định, trên lĩnh vực kinh tế tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, lấy nông nghiệp làm nhiệm vụ hàng đầu, lương thực, thực phẩm là mục tiêu số một để giải quyết lương thực tại chỗ; đồng thời coi đó là cơ sở để phát triển sản xuất lâm nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Song song với mở rộng diện tích lúa nước, khi đã bảo đảm vấn đề an ninh lương thực, cây cà phê được xác định là một mũi nhọn chiến lược trong nền kinh tế của tỉnh.

Cà phê là nguồn thu nhập chính của nhiều nông hộ ở Đắk Lắk.

Những năm 1982 - 1985, trong chương trình hợp tác quốc tế, Trung ương triển khai hai xí nghiệp Liên hiệp cà phê Việt – Xô, Việt – Đức và một trung tâm khoa học – kỹ thuật cà phê trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho cà phê phát triển mạnh hơn.

Tuy nhiên, 10 năm sau giải phóng, mặc dù nhận thức được tầm quan trọng chiến lược của cây cà phê nhưng chủ yếu mới dừng ở phát triển diện tích, năng suất, chất lượng trong các khâu tạo sản phẩm còn khiêm tốn; cơ chế và chính sách còn nặng về quản lý bao cấp, hành chính.

Tháng 4/1985, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về “Củng cố và phát triển ngành cà phê của tỉnh, đưa cà phê trong tỉnh định hình vào năm 1990 với diện tích 50.000 ha, đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao”.

Nghị quyết 02 đánh dấu bước phát triển về tư duy kinh tế của Đảng bộ tỉnh trong quá trình hoạch định chủ trương phát triển kinh tế, định hình ngành kinh tế chủ lực, mở ra bước phát triển mới cho cây cà phê trở thành một trong những cây trồng chiến lược của Đắk Lắk.

Đó là: thực hiện phương châm Trung ương và địa phương, Nhà nước và nhân dân cùng làm; thực hiện ba khu vực làm cà phê: quốc doanh, tập thể và kinh tế cá thể; tổ chức ngành cà phê trong tỉnh thành một ngành kinh tế kỹ thuật với một tổ chức quản lý – kinh doanh thích hợp; lấy năng suất, chất lượng hiệu quả kinh tế làm tiêu chuẩn duy nhất để tính toán, chọn lựa các phương án và tiến hành sản xuất – kinh doanh; thực hiện cơ chế quản lý mới, kiên quyết xóa bỏ cơ chế quản lý bao cấp, hành chính, chuyển mạnh ngành cà phê sang quản lý hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa.

Xuất phát từ định hướng coi xuất khẩu là mũi nhọn, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về phát triển cây cà phê trong nhân dân, vấn đề trồng mới và thâm canh cây cà phê từ năm 1986 có thay đổi đáng kể. Tỉnh đã hình thành Liên hiệp xí nghiệp đầu tư xuất nhập khẩu. Liên hiệp trực tiếp ký đầu tư với các nông trường và đến tận hộ gia đình. Đến cuối năm 1988 toàn tỉnh có trên 50.000 ha cà phê, về đích trước 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết 02 đề ra.

Cà phê Đắk Lắk chiếm khoảng 1/3 sản lượng cà phê của cả nước.

Ghi danh trên bản đồ cà phê thế giới

 

Năm 1990, diện tích cà phê của Đắk Lắk là 54.600 ha, sản lượng 28.600 tấn nhân. Hiện toàn tỉnh có trên 200.000 ha, sản lượng cà phê niên vụ 2023 - 2024 đạt trên 570.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng cà phê toàn quốc.

Cà phê là cây trồng chủ lực, không ngừng gia tăng giá trị của cà phê, đó là tinh thần chung xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ. Đắk Lắk đã vạch đường hướng có tính chiến lược dài hơi cho cà phê bằng Nghị quyết số 24/2017/NQ-HĐND, ngày 13/10/2017 về "Phát triển cà phê bền vững của tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030".

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định cà phê là ngành hàng mang lại giá trị kinh tế cao; chú trọng xây dựng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, phát triển cà phê đặc sản, hướng đến mục tiêu “Đắk Lắk là điểm đến của cà phê thế giới”. Từng bước chuyển đổi cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng hàng chế biến sâu, giảm tỷ lệ sơ chế và xuất thô. Cà phê trở thành sản phẩm OCOP của nhiều địa phương trong tỉnh.

Đường hướng và quyết tâm ấy đã đưa danh tiếng cà phê Đắk Lắk vươn xa. Từ một cái tên còn mờ nhạt trong ngành cà phê, đến nay cà phê Đắk Lắk đã được nhiều người tiêu dùng thế giới biết đến. Đây là loại nông sản mang về ngoại tệ hàng trăm triệu USD mỗi năm cho tỉnh và là niềm tự hào của người dân địa phương. Niên vụ 2017 - 2018, cà phê xuất khẩu của tỉnh là 191.169 tấn, chiếm tỷ trọng 10,65% cả nước, đạt kim ngạch 365,020 triệu USD. Đến nay, tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, con số cà phê xuất khẩu đã đạt 174.942 tấn, kim ngạch 600,721 triệu USD.

Hiện Đắk Lắk có hơn 170 doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu. Không ít doanh nghiệp Đắk Lắk phát huy giá trị của nông sản thế mạnh, nhanh nhạy thích ứng, đã tạo nên thương hiệu quốc gia, chinh phục các thị trường “khó tính” như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Italia… Nông sản của tỉnh chủ yếu là cà phê đã xuất khẩu đến hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đó là “trái ngọt” có được sau hành trình dài đầu tư bài bản, công phu, nâng chất, nâng tầm để định vị chất lượng cà phê trên thương trường quốc tế.

Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) là một trong những doanh nghiệp đã làm nên “tên tuổi” của Đắk Lắk khi nằm trong top doanh nghiệp xuất khẩu uy tín quốc gia. Bình quân mỗi năm “ông lớn” này xuất khẩu 100.000 - 120.000 tấn cà phê nhân và đang trên hành trình mở rộng thị trường xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hiện, doanh nghiệp đã xây dựng chuỗi liên kết với hơn 40.000 nông hộ để trồng, chế biến cà phê trong đó tiên phong phát triển cà phê chất lượng cao và đặc sản.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã được duy trì qua 8 mùa cũng không ngoài mục đích gia tăng giá trị, nâng tầm thương hiệu cũng như phát triển bền vững ngành cà phê Đắk Lắk nói riêng, cà phê Việt Nam nói chung.

Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk giới thiệu sản phẩm tại Triển lãm thực phẩm quốc tế tổ chức ở Dubai, tháng 3/2024.

Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, thực thi đang mở rộng không gian ngoại thương, xuất khẩu hàng hóa. Thích ứng với thực tiễn này, bà Đinh Thị Thanh Huyền, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) trao đổi: Rõ ràng, quá trình hội nhập đòi hỏi ngành cà phê phải thay đổi để thích ứng với xu hướng phát triển chung của toàn cầu. Đó là sự tuân thủ các quy định pháp luật, tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm soát được chất lượng… do yêu cầu từ các thị trường mà doanh nghiệp xuất khẩu đang hướng đến. Bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp, người trồng cà phê là phải “nhận diện” được sự thay đổi quốc tế và tìm giải pháp đáp ứng để thúc đẩy ngành cà phê phát triển bền vững.

Ngành cà phê Đắk Lắk đã và đang tích cực nắm bắt cơ hội và nỗ lực thích ứng. Để tận dụng các FTA một cách hiệu quả, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh nhấn mạnh, cần tăng cường, thiết lập chặt chẽ khâu kết nối, sự tham gia vào cuộc giữa các chủ thể có liên quan trong chuỗi sản xuất, phân phối và xuất khẩu cà phê.

Sợi dây kết nối bền chặt giữa các nhà trong chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị sẽ thêm động lực để cà phê Đắk Lắk ngày càng “mạnh chân” bước ra thị trường thế giới, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đàm Thuần – Đỗ Lan – Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.