Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị: Khai phá nguồn lực từ “dám nghĩ, dám làm” (kỳ 3)
Kỳ 3: Tạo sự đột phá bằng tư duy mới
Với đặc thù của địa phương, tỉnh Đắk Lắk luôn xác định nông nghiệp là một trong những trụ cột phát triển kinh tế. Với sự năng động, mạnh dạn trong tư duy đổi mới của cả hệ thống chính trị, nhiều vùng đất đã thực sự “chuyển mình”, phát huy được tiềm năng, nguồn lực của địa phương.
Đột phá từ những quyết sách
So với những địa phương khác thì huyện Krông Pắc có những ưu thế và thuận lợi riêng để phát triển nông nghiệp, nhất là các loại cây như cà phê, hồ tiêu, cao su, ca cao, cây ăn trái... Tuy nhiên, với vùng đất có lịch sử 100 năm phát triển cây công nghiệp lâu năm (cây cà phê) vẫn chưa có nhiều đột phá như tiềm năng vốn có.
Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến chia sẻ, sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành 5 nghị quyết chuyên đề nhằm cụ thể hóa những đột phá chiến lược của nhiệm kỳ, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đáng chú ý là Nghị quyết về phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Từ nghị quyết này, Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện; bố trí ngân sách hằng năm và lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án khác để tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, xây dựng, nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững; phát triển các hình thức sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, từng bước hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị… Nhờ đó, đến nay quy mô sản xuất nông nghiệp tập trung các loại cây trồng chủ lực, mang tính mũi nhọn của huyện đã được mở rộng và phát triển theo chiều sâu, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu cao của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến năm 2023, toàn huyện đã có 6.297 ha cây trồng các loại sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị.
Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến (giữa) cùng đoàn công tác của HĐND tỉnh kiểm tra một mô hình nông nghiệp trên địa bàn huyện. |
Đặc biệt, từ nghị quyết này đã tạo đột phá cho ngành hàng sầu riêng của huyện Krông Pắc khi được định hướng phát triển theo hướng hàng hóa gắn với cơ sở sản xuất và thị trường tiêu thụ. Năm 2022, sản phẩm trái sầu riêng tươi đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “KRONG PAC DURIAN SẦU RIÊNG KRÔNG PẮC” cho tập thể Hội Nông dân huyện Krông Pắc. Ngay sau đó, huyện đã xuất khẩu chính ngạch thành công lô sầu riêng đầu tiên sang thị trường Trung Quốc. Huyện cũng đã tổ chức thành công hai mùa Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc, qua đó tạo động lực lớn cho ngành hàng sầu riêng phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển những ngành nghề, dịch vụ liên quan.
Tư duy mới dưới tán rừng
Trên địa bàn huyện Krông Bông có khoảng 4.500 ha keo lai nhưng nguồn thu mang lại của diện tích này chưa thực sự tương xứng. Do đó, để phát triển kinh tế dưới tán rừng, khai thác tối đa tiềm năng trên diện tích này là trăn trở của chính quyền địa phương và những người làm nông nghiệp nơi đây. Một trong những địa phương mạnh dạn tìm hướng đi mới đó là xã Cư Kty, khi mạnh dạn đưa mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng ứng dụng vào thực tế tại một số diện tích rừng trồng.
Ông Huỳnh Phương Bình, Chủ tịch UBND xã Cư Kty chia sẻ, với mong muốn đưa kinh tế của địa phương đi lên, góp phần giúp người dân thoát nghèo, đã rất nhiều mô hình được chính ông và cán bộ của xã đi tìm hiểu, đưa về thử nghiệm.
Sau rất nhiều trăn trở, năm 2022, ông cùng với các cán bộ của huyện đã đi đến tỉnh Gia Lai học tập mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng và mua 3.000 phôi về triển khai cho Tổ hợp tác Nấm dược liệu Chư Yang Sin trồng thử dưới tán rừng keo lai. Tuy nhiên, thử nghiệm này gặp thất bại, nấm phát triển kém, sản lượng thu được thấp. Không chùn bước, tháng 1/2024, các thành viên của tổ hợp tác phối hợp với Viện Công nghệ sinh học và môi trường (Trường Đại học Tây Nguyên) tổ chức đào tạo cho các tổ viên, đồng thời mời cán bộ của Viện về nghiên cứu để đưa ra phương pháp chăm sóc phù hợp nhất đối với cây nấm linh chi đỏ tại mảnh đất Krông Bông.
Thành viên Hợp tác xã Nấm dược liệu Chư Yang Sin chăm sóc nấm linh chi đỏ dưới tán rừng tại xã Cư Kty (huyện Krông Bông). Ảnh: Hoàng Gia |
Đến tháng 4/2023, Hợp tác xã Nấm dược liệu Chư Yang Sin (HTX) được thành lập, tiến hành sản xuất phôi giống nấm linh chi đỏ và trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng keo lai trên diện tích gần 1 ha (khoảng 35.000 phôi giống). Nhờ rút ra được quy trình chăm sóc sau những thất bại trước đó nên sản lượng và chất lượng nấm trồng được nâng lên đáng kể. Chỉ sau hơn ba tháng, mô hình đã thu được 1,5 tấn nấm tươi. Với giá bán từ 700.000 - 800.000 đồng/kg nấm tươi và 1,7 – 2 triệu đồng/kg nấm khô đã mang lại nguồn thu lớn cho các thành viên HTX.
“Mô hình này có rất nhiều ưu điểm và phù hợp với vùng có nhiều diện tích rừng trồng như xã Cư Kty. Bởi trong thời gian chờ khai thác rừng keo thì bà con có thể tận dụng diện tích dưới tán rừng để trồng nấm, tạo được không gian tự nhiên cho cây nấm phát triển, và quá trình chăm sóc nấm cũng làm tăng độ ẩm trong đất, hỗ trợ rừng keo phát triển. Qua đó góp phần mang lại sinh kế bền vững cho người trồng rừng, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn”, ông Bình vui vẻ nói.
Từ thành công bước đầu đã tạo động lực cho các thành viên của HTX mở rộng mô hình, phát triển sản phẩm. Hiện nay, ngoài việc sản xuất, HTX đang liên kết cung cấp phôi và sản phẩm nấm cho nhiều tỉnh khu vực Tây Nguyên và cả nước. Đồng thời, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và đưa nấm linh chi đỏ trở thành sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của địa phương. HTX cũng đang tích cực tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước để tạo đầu ra ổn định, tiến tới bao tiêu sản phẩm cho người dân khi tham gia mô hình này.
Theo đánh giá của Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông, trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng keo lai là mô hình mới, sáng tạo trong phát triển kinh tế tại địa phương. Phòng NN-PTNT đang tham mưu UBND huyện có cơ chế, giải pháp hỗ trợ HTX tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu cho cây nấm linh chi đỏ. Đồng thời, phối hợp với HTX hướng dẫn người dân nhân rộng mô hình, giúp nâng cao mức sống, giảm nghèo bền vững.
(Còn nữa)
Kỳ cuối: Để "cởi bỏ" sức ì cho nguồn lực
Cao Minh Giang
Ý kiến bạn đọc