Multimedia Đọc Báo in

Nâng tầm vị thế nền kinh tế

05:24, 30/10/2024

Sau gần 40 năm đổi mới, từ một nền kinh tế có trình độ phát triển thấp, Việt Nam đã chuyển mình và vươn lên mạnh mẽ với quy mô nền kinh tế đứng thứ 35 thế giới, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Phát triển đi vào chiều sâu, toàn diện

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII truyền đạt “Những nội dung cốt lõi, điểm mới trong dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 – 2030 và về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024, kế hoạch năm 2025", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước diễn biến hết sức phức tạp, chưa có tiền lệ, ảnh hưởng nặng nề hơn so với dự báo, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn dân, toàn quân, kinh tế - xã hội nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật, khá toàn diện, cơ bản hoàn thành các mục tiêu chủ yếu đề ra.

Minh chứng rõ nét đó chính là sự đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện thành công “mục tiêu kép”  - vừa phòng, chống COVID-19 vừa duy trì tăng trưởng kinh tế.

Hạ tầng giao thông là một trong những ưu tiên để thực hiện các giải pháp đột phá chiến lược được Chính phủ tập trung nguồn lực đầu tư. Ảnh: Hoàng Gia
 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, khẳng định vị thế trên trường quốc tế”.

 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Kết quả nổi bật còn thể hiện trong việc lập và tổ chức thực hiện các quy hoạch tổng thể quốc gia, vùng; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số; đối ngoại, hội nhập quốc tế được thúc đẩy mạnh mẽ, toàn diện, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, ổn định, bền vững trên tất cả lĩnh vực; vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam không ngừng được nâng cao…

Thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược

Khẳng định tầm tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt, dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 tiếp tục nhất quán quan điểm: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và phát triển đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm”.

Để đưa đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu triển khai ngay một số đột phá chiến lược đã được Trung ương thống nhất đưa vào văn kiện Đại hội XIV. Đó là tập trung cho các giải pháp đột phá về thể chế phát triển, trong đó tích cực tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, cải cách thủ tục hành chính triệt để, phân cấp, phân quyền tối đa theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Đối với việc khởi xướng và thực hiện cách mạng chuyển đổi số, Bộ Chính trị sẽ sớm nghiên cứu, ban hành nghị quyết về chuyển đổi số quốc gia; các bộ, ngành, địa phương ưu tiên nguồn lực, trí lực, chuẩn bị nhân lực, tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt.

Đối với việc tập trung hoàn thành mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tiếp tục rà soát để đẩy nhanh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm có tính lan tỏa. Thực hiện ngay các công việc để triển khai chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam sớm nhất, hiệu quả nhất.

Đối với công tác tổ chức, cán bộ, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ trong điều kiện mới.

Lê Hương
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.