Vững bước trên con đường đổi mới
1. Những năm 80 của thế kỷ 20, trước biến động phức tạp của tình hình quốc tế, nhất là sự khủng hoảng của mô hình chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Liên Xô và Đông Âu đã tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên ngoài thì bị bao vây, cấm vận, cả nước đi lên CNXH với điểm xuất phát từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh.
Đất nước thống nhất đi lên CNXH, đòi hỏi tư duy, nhận thức mới nhưng việc duy trì quá lâu cơ chế tập trung bao cấp đã kìm hãm việc khơi dậy, khai thác hiệu quả các nguồn lực để phát triển đất nước. Vì vậy, kinh tế rơi vào khủng hoảng, lạm phát tăng cao, phân phối rối ren, khan hiếm hàng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu; đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo có thời điểm lên đến gần 60%.
Trên tinh thần “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đảng ta đã thẳng thắn thừa nhận những sai lầm, khuyết điểm và đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mà trước hết là kiên quyết xoá bỏ cơ chế tập trung bao cấp, chuyển sang cơ chế kinh tế mới.
2. Giai đoạn đầu thực hiện đường lối đổi mới, chúng ta gặp nhiều khó khăn thách thức đến từ bên ngoài và bên trong. Mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, trong nước xây dựng CNXH với cơ chế kinh tế tập trung bao cấp bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi Đảng ta trên con đường lãnh đạo xây dựng đất nước cần phải có một mô hình phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Thực tiễn đó đã được giải đáp tại Đại hội VII của Đảng (năm 1991) với việc thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Cương lĩnh đã chỉ rõ mô hình CNXH ở Việt Nam là một chế độ chính trị xã hội với 6 đặc trưng, các đặc trưng này bao quát mọi lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội. Mô hình đã thể hiện sự đột phá tư duy lý luận của Đảng về CNXH ở Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi Đảng ra đời, chúng ta đã có một mô hình CNXH riêng có, đặc thù.
Qua 10 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đại hội VIII của Đảng (năm 1996) khẳng định: Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa đã cơ bản hoàn thành cho phép chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Công cuộc đổi mới đã mở đường cho kinh tế đất nước ngày càng phát triển. Ảnh: Nguyễn Gia |
3. Qua 25 năm thực hiện đường lối đổi mới và 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, Đại hội XI của Đảng (2011) đã bổ sung, phát triển nhận thức về mô hình CNXH ở Việt Nam từ 6 đặc trưng lên 8 đặc trưng. Việc bổ sung, phát triển không chỉ thể hiện nhận thức về CNXH là một quá trình, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mà còn khẳng định tính khoa học về con đường đi lên CNXH.
Từ việc xây dựng, bổ sung và phát triển mô hình đến việc xác định con đường đi lên CNXH, Đảng đã lãnh đạo hệ thống chính trị và nhân dân từng bước cụ thể hoá, hiện thực hoá các đặc trưng vào trong từng lĩnh vực thông qua các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
4. Đánh giá 35 năm đổi mới, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt 4.300 USD, tăng gần 60 lần so với năm 1986. Quy mô nền kinh tế đạt khoảng 430 tỷ USD, đứng thứ 35 thế giới. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, hiện Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 quốc gia. Đảng ta đã có quan hệ với 253 đảng ở 115 quốc gia trên thế giới.
Kiên định đường lối đổi mới, những bài học kinh nghiệm đúc rút được, đã và đang tiếp tục là hành trang quý báu trong lãnh đạo xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó là: Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; đổi mới toàn diện, đồng bộ, có bước đi phù hợp, tôn trọng quy luật khách quan, xuất phát từ thực tiễn; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ xây dựng CNXH với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Những kết quả đạt được qua gần 40 năm đổi mới là nền tảng để đưa nước ta bước vào một giai đoạn phát triển mới như lời khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Với thế và lực đã tích luỹ được sau 40 năm đổi mới, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, với những thời cơ, thuận lợi mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chúng ta đã hội tụ đủ những điều kiện cần thiết đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Thế và lực tích lũy trên con đường đổi mới tiếp thêm niềm tin để Việt Nam vươn tới những mục tiêu: Đến năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Lương Hữu Nam
Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk
Ý kiến bạn đọc