Multimedia Đọc Báo in

Dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh tại Nhà đày Buôn Ma Thuột

13:58, 21/11/2024

Sáng 21/11, tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Ban tổ chức các hoạt động kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ Dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh nhân kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024); 84 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk (23/11/1940 - 23/11/2024).

Tham dự lễ dâng hương có các đồng chí: Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo các hoạt động kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk; Huỳnh Thị Chiến Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Ngọc Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức các hoạt động kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; Y Giang Gry Niê Knơng, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí lão thành cách mạng, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang và đại diện lãnh đạo, quân và dân các dân tộc TP. Buôn Ma Thuột. 

1
Các đoàn đại biểu tham dự Lễ dâng hương.

Tại buổi lễ, các đại biểu thành kính dâng hoa, dâng hương bày tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc đối với những cống hiến to lớn của các các chiến sĩ cộng sản tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh máu xương trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ, xây dựng và phát triển tỉnh Đắk Lắk. 

1
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thái Hồng Hà trình bày diễn văn tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh.

Diễn văn tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh tại Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột do Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thái Hồng Hà trình bày tại buổi lễ nêu rõ: Từ năm 1899, thực dân Pháp đã đưa quân đội lên Tây Nguyên chiếm đóng vùng đất này và biến nơi đây thành vùng đất thuộc quyền cai trị trực tiếp của chúng, nhưng chúng ta luôn kiên quyết giữ vững, Đắk Lắk trở thành địa bàn tranh chấp, giằng co quyết liệt giữa ta và địch.

Nhà đày Buôn Ma Thuột toạ lạc
Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột toạ lạc tại số 27 đường Phạm Hồng Thái (Phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột).

Trước phong trào đấu tranh bền bỉ và quyết liệt của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên và sức ép của Triều đình Nhà Nguyễn, ngày 22/11/1904, Toàn quyền Đông Dương buộc phải ban hành Nghị định trả lại Đắk Lắk từ Lào cho Việt Nam. Sự kiện này mang tính pháp lý, xác nhận chủ quyền lãnh thổ quốc gia trọn vẹn của Việt Nam, cột mốc đánh dấu sự thành lập tỉnh Đắk Lắk và tỉnh lỵ Buôn Ma Thuột.

1
Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ dâng hương, tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng.

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã kiên cường, đoàn kết, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vượt qua nhiều thử thách, khó khăn gian khổ, chịu đựng nhiều tổn thất hy sinh, bền bỉ đấu tranh, giành nhiều thắng lợi to lớn; cùng nhân dân cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

1
Đồng chí Nguyễn Đình Trung và các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, thực dân Pháp đã xây dụng rất nhiều nhà tù, nhà đày trên toàn Đông Dương, trong đó có Nhà đày Buôn Ma Thuột (được xây dựng vào năm 1930 – 1931) để giam giữ, đày ải, thủ tiêu những người yêu nước, các chiến sĩ cộng sản.

1
Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh dâng hương, tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng.

Đây là một trong những Nhà đày nổi tiếng mà thực dân Pháp đã sử dụng các hình thức giam giữ, tra tấn tàn ác nhất Đông Dương đối với các chiến sĩ cộng sản qua nhiều thế hệ. Nhưng với tinh thần chiến đấu bất khuất, kiên cường, các chiến sĩ cách mạng tại Nhà đày Buôn Ma Thuột đã biến nơi đây trở thành môi trường để rèn luyện ý chí, bản lĩnh cách mạng.

Với sự đấu tranh kiên cường, không mệt mỏi của các chiến sĩ cộng sản, cuối năm 1940 Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh được thành lập tại Nhà đày Buôn Ma Thuột; là nhân tố quyết định đến thắng lợi cuộc vận động giải phóng dân tộc ở Đắk Lắk, góp phần đưa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tới thành công.

1
Đoàn đại biểu UBND tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành dâng hương tưởng niệm anh hùng liệt sĩ.

Cũng từ hạt nhân Chi bộ Đảng đầu tiên đó, đã gieo mầm, tạo những hạt giống đỏ đầu tiên cho Đảng bộ tỉnh; nhiều nhân sĩ, trí thức, công chức là người dân tộc thiểu số làm việc cho chính quyền thực dân đã được những người cộng sản giáo dục, cảm hóa trở thành những cán bộ cách mạng, theo Đảng, theo Bác Hồ, có uy tín lớn đối với nhân dân các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, Đảng bộ tỉnh đã từng bước trưởng thành, phát triển về mọi mặt, đã tổ chức lãnh đạo và động viên nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, hai cuộc kháng chiến vĩ đại để giải phóng dân tộc (1945 - 1975).

1
Đoàn đại biểu Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh dâng hoa, hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

Với những giá trị, ý nghĩa lịch sử to lớn đó, năm 2018, Nhà đày Buôn Ma Thuột được công nhận là Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt. Sự kiện thành lập Chi bộ Cộng sản tại Nhà đày Buôn Ma Thuột vào cuối năm 1940 đã được xác định là Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh. Trên cơ sở kết quả Hội thảo “Xác định ngày, tháng kỷ niệm thành lập Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk” và ý kiến của các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh, Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định 1502/QĐ-TU về việc lấy ngày 23/11/1940 làm Ngày kỷ niệm thành lập Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk.

Kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của tỉnh, bồi đắp thêm niềm tự hào về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, về dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng.

1
Đoàn đại biểu khối lực lượng vũ trang tỉnh dâng hoa, hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

Phát huy truyền thống 84 năm vẻ vang của Đảng bộ tỉnh với bề dày lịch sử 120 năm hình thành và phát triển, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk nguyện đoàn kết một lòng, ra sức thi đua, nỗ lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đẩm quốc phòng – an ninh, chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, quyết tâm xây dựng và phát triển tỉnh Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên; quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

1
Các đại biểu mặc niệm, tri ân các chiến sỹ cộng sản, các cựu tù chính trị hy sinh tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Trước đó, các đại biểu đã đến dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các Anh hùng Liệt sĩ tại Đền thờ Liệt sĩ tỉnh; viếng Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.