Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV:

Đề nghị tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng đến hết tháng 6/2025

18:48, 28/11/2024

Chiều 28/11, Quốc  hội thảo luận đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho biết: Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) điều chỉnh đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2025.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc  trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng. Ảnh: quochoi.vn
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng. Ảnh: quochoi.vn

Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT, cụ thể: Giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đồng thời giao Chính phủ hướng dẫn việc giảm thuế suất thuế GTGT và tổ chức triển khai thực hiện chính sách này bảo đảm công khai minh bạch, hiệu quả.

Về thời gian áp dụng Nghị quyết từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025. Thực hiện theo phương án này nhằm thực hiện mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi, tăng trưởng để đóng góp trở lại cho NSNN cũng như nền kinh tế.

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) Lê Quang Mạnh khẳng định: Ủy ban TCNS nhất trí với phạm vi áp dụng chính sách theo đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, việc ban hành và thực thi chính sách theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội đã gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định do việc loại trừ, không giảm thuế đối với một số nhóm hàng hoá, dịch vụ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: quochoi.vn

Một số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, việc chưa có giải pháp để khắc phục triệt để các vướng mắc, bất cập dẫn đến chính sách được ban hành và thực hiện song chưa thực sự đạt được mục tiêu “đảm bảo dễ thực hiện nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế” được đề ra trong ban hành chính sách.

Về thời hạn áp dụng chính sách, một số ý kiến cho rằng, việc đề xuất ban hành và thực thi chính sách giảm thuế GTGT trong thời gian qua được thực hiện tương đối ngắn hạn, phần nào thể hiện chất lượng của công tác dự báo và tầm nhìn của việc đề xuất ban hành chính sách, làm ảnh hưởng đến sự chủ động của doanh nghiệp trong hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Do đó, để hướng tới sự ổn định và tính dự báo của hệ thống chính sách thuế GTGT đồng thời, bảo đảm đồng bộ với hiệu lực thi hành dự kiến đang được quy định trong dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi), đề nghị Chính phủ bảo đảm thời hạn chấm dứt hiệu lực thực hiện của chính sách giảm thuế GTGT như được trình tại kỳ họp này, không tiếp tục đề nghị kéo dài thời gian thực hiện của chính sách.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị áp dụng chính sách trong năm 2025, bảo đảm chính sách đủ thời hạn để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tránh việc đề xuất gia hạn chính sách…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Đóng góp ý kiến thảo luận tại phiên làm việc, các đại biểu Quốc hội đồng thuận với Tờ trình của Chính phủ đề xuất về tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT nhằm góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau đại dịch COVID-19 để ổn định và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh việc giảm thuế thì cần có sự đánh giá tác động đối với chính sách cũng như các giải pháp bền vững khác.

Theo đại biểu, việc giảm 2% thuế suất thuế GTGT nhằm thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững cho nền kinh tế là một chủ trương đúng đắn và kịp thời kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đồng thời giảm bớt gánh nặng chi phí cho người dân doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức. Chính sách giảm thuế GTGT không chỉ hỗ trợ sản xuất kinh doanh mà còn góp phần kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, chính sách này sẽ tác động đến ngân sách Nhà nước. Việc giảm thuế GTGT trong 6 tháng đầu năm 2025 dự kiến làm giảm thu ngân sách khoảng 26,1 nghìn tỷ đồng trong ngắn hạn. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng cân đối ngân sách, đặc biệt là đối với ngân sách địa phương.

Theo đại biểu, mặc dù giảm thuế giá trị gia tăng là giải pháp ngắn hạn, hiệu quả nhưng cần có các giải pháp đồng bộ, dài hạn nhằm cải thiện năng lực sản xuất trong nước, nâng cao chất lượng hàng hóa và đặc biệt là tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Song song với việc giảm thuế, cần tối ưu hóa nguồn thu ngân sách và Chính phủ cũng cần xây dựng và triển khai các biện pháp nhằm tăng cường thu ngân sách từ các nguồn thu khác ngoài thuế GTGT để bù đắp phần hụt thu này.

Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, giám sát thuế; phối hợp liên ngành, cơ quan thuế, hải quan và các cơ quan chức năng khác trong việc kiểm sát các hành vi trốn thuế, hành vi chuyển giá, đặc biệt là từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…

Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Giải trình, làm rõ những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: Việc thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT tác động đối với doanh nghiệp đã góp phần tăng trưởng GDP nhưng vẫn đóng góp vào thu thuế của Nhà nước. Điều này cho thấy, chính sách của Chính phủ ban hành đã có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế và là sự động viên lớn để doanh nghiệp vượt qua khó khăn nhằm tiếp tục ổn định và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, việc giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp không nên chỉ về giảm thuế GTGT, mà còn cần giải quyết các vướng mắc vấn đề về thủ tục cấp phép hoạt động, thủ tục về đầu tư, đất đai, hỗ trợ tín dụng, nguồn nhân lực, công nghệ…

Trong các phiên làm việc buổi chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và tiến hành họp riêng về công tác nhân sự.

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.