Những "đầu tàu" ở cơ sở
Đảng bộ huyện Krông Búk có 39 nữ bí thư chi bộ, trong đó không ít nữ bí thư chi bộ rất năng nổ, gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, góp phần vào sự phát triển của địa phương.
Gần dân, sâu sát cơ sở
Chi bộ thôn 2 (xã Tân Lập) có 27 đảng viên; mỗi năm chi bộ được giao chỉ tiêu kết nạp từ 1-2 đảng viên. Tuy nhiên, giai đoạn 2020 - 2023, Chi bộ thôn 2 chỉ kết nạp được 2 đảng viên. Vì vậy, trong các buổi sinh hoạt chi bộ thôn định kỳ hằng tháng, nhiệm vụ phát triển đảng viên được đưa ra "mổ xẻ", song do phần lớn thanh niên trong thôn đi làm ăn xa, số ở nhà thì mải mê làm kinh tế, không tích cực tham gia các tổ chức đoàn thể, nên khó chọn nguồn bồi dưỡng, kết nạp Đảng.
Tháng 1/2024, bà Mai Thị Hiền được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi bộ thôn 2 sau nhiều năm làm cán bộ y tế, khuyến nông của xã Tân Lập. Mặc dù mới đảm nhận cương vị bí thư chi bộ, lại là lao động chính trong gia đình, bận rộn phát triển kinh tế nhưng với nhiệm vụ Đảng giao, bà Hiền luôn tận tụy, hết lòng với công việc. Bởi bà xác định, bí thư chi bộ là người trực tiếp điều hành hoạt động của tổ chức đảng ở cơ sở, và là hạt nhân trong hệ thống chính trị, là người có những đóng góp rất quan trọng, có vai trò đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ.
Bà Mai Thị Hiền (bên phải), Bí thư Chi bộ thôn 2, xã Tân Lập trao quyết định kết nạp đảng viên mới. |
Để tháo gỡ khó khăn trong công tác phát triển đảng viên, bà Hiền thường xuyên rà soát nguồn, quan tâm bồi dưỡng đối tượng phù hợp, chú trọng nhóm quần chúng độ tuổi đoàn viên, thanh niên và hội viên các tổ chức đoàn thể ở thôn. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay Chi bộ thôn 2 đã kết nạp được 4 đảng viên.
Bà Hiền cho biết, 4 đảng viên mới kết nạp có tuổi đời khác nhau. Mỗi lứa tuổi có cách tiếp cận, tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của việc phấn đấu vào Đảng khác nhau. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sâu sát thực tiễn, đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nên Chi bộ thôn 2 đã hoàn thành vượt kế hoạch năm 2024 về phát triển đảng viên.
Đi đôi với số lượng, Chi bộ thôn 2 đặc biệt quan tâm đến chất lượng đảng viên mới kết nạp, nên các đảng viên có người tốt nghiệp trung cấp, có người là quân nhân xuất ngũ trở về địa phương. Sau khi kết nạp, đảng viên tiếp tục được bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ, sự nhiệt huyết nên chất lượng sinh hoạt chi bộ nâng lên rõ rệt.
Bà Hiền trò chuyện, muốn quy tụ sự đoàn kết trong chi bộ, sự đồng thuận trong nhân dân thì trước hết bản thân người đứng đầu chi bộ phải gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động. Nếu không có cái tâm của người làm cán bộ, không sống đúng với những điều mình nói trước chi bộ, nhân dân thì sẽ chẳng ai nghe mình.
Giúp bà con thay đổi tư duy làm kinh tế
Tổ dân phố (TDP) Cư Blang (thị trấn Pơng Drang) có 320 hộ với 1.620 nhân khẩu, trong đó 99% dân số là người Êđê. Kinh tế của người dân trong TDP chủ yếu là nông nghiệp. Trước đây, do tập quán canh tác lạc hậu, sản xuất theo kiểu tự cung tự cấp, chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên nên năng suất cây trồng đạt thấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Với cương vị là Bí thư Chi bộ TDP, bà Vũ Thị Oanh đã cùng các đảng viên trong chi bộ kiên trì vận động bà con đa dạng hóa cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xen canh nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế được thị trường ưa chuộng vào rẫy cà phê; đồng thời đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Bà Vũ Thị Oanh (bìa trái) Bí thư Chi bộ tổ dân phố Cư Blang, thị trấn Pơng Drang tìm hiểu cách thức làm kinh tế của người dân. |
Nhờ kiên trì tuyên truyền, vận động, nhiều hộ gia đình trong TDP thấy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao đã mạnh dạn làm theo. Qua đó, phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới lan tỏa đến từng nếp nhà, "gieo mầm" quyết tâm đổi mới đến từng người dân sinh sống trong TDP Cư Blang. Nhiều tiêu chí khó như: môi trường, xây dựng vườn mẫu, thu nhập... đều được bà Oanh cùng cán bộ TDP hướng dẫn bà con triển khai hiệu quả.
Bà Oanh phấn khởi chia sẻ: "Bà con trong TDP đã chủ động thay đổi thói quen canh tác nông nghiệp lạc hậu. Nâng cao hiệu quả, năng suất trên cùng diện tích canh tác bằng cách đưa các giống sầu riêng, tiêu, bơ... vào trồng xen trong rẫy cà phê, đem lại thu nhập gấp 3 - 4 lần so với trước. Những hủ tục, mê tín dị đoan cũng dần được loại bỏ".
Từ một buôn thuộc diện khó khăn của huyện Krông Búk hơn 10 năm về trước, TDP Cư Blang hôm nay đã khoác lên diện mạo mới. Đường giao thông nông thôn, kênh mương được kiên cố hóa, người dân ngày càng đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giữ gìn vệ sinh môi trường và an ninh trật tự. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng lên. Hiện nay, TDP chỉ còn 16 hộ nghèo; tỷ lệ hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa đạt 95%; thu nhập bình quân đầu người khoảng 4 triệu đồng/tháng.
Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc