Multimedia Đọc Báo in

Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế: Nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở

18:20, 11/11/2024

Chiều 11/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.

Tại phiên làm việc, các đại biểu tập trung chất vấn về 4 nhóm vấn đề: Việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai; Việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh; Thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm; Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: quochoi.vn

Đặt câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế về quản lý thực phẩm chức năng, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Tại Báo cáo số 1467, Bộ Y tế đã đánh giá hệ thống pháp luật quản lý về thực phẩm chức năng tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, thực trạng về thực phẩm chức năng vẫn tràn lan trên thị trường với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thậm chí có chứa chất cấm khiến cử tri vô cùng lo lắng, bức xúc.

Với thực trạng này, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ lỗ hổng và có các giải pháp căn cơ như thế nào? Ngoài ra, để chủ động nâng cao năng lực của ngành Y tế trong phòng, chống dịch sau thiên tai, Bộ trưởng đã tính đến việc đề xuất Quốc hội về chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cho y tế cơ sở như thế nào?

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thực phẩm chức năng đến nay cơ bản đáp ứng. Chúng ta đã có Luật An toàn thực phẩm, Luật Thanh tra, Bộ luật Hình sự, Luật Quảng cáo, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định, thông tư, quy chuẩn liên quan đến thực phẩm chức năng…

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng nêu rõ, nếu sản xuất thực phẩm chức năng tốt thì đây là lợi thế để chúng ta xuất khẩu, trong đó các loại vitamin. Hiện nay thực phẩm chức năng của nước ta đã xuất khẩu ở trên 30 nước trên thế giới. Đây sẽ là thế mạnh nếu nước ta quan tâm và đầu tư tốt vào lĩnh vực này.

Về quy định liên quan tới sản xuất thực hành tốt - GMP đối với thực phẩm chức năng từ năm 2019, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, nếu các nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng ở nước ta nếu đáp ứng được thì phải đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn về sản xuất thực hành tốt và Việt Nam là nước đầu tiên của ASEAN áp dụng quy chuẩn này. 

Trước đây có khoảng 1.000 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng thì đến nay có 201 cơ sở thực hiện đúng theo quy định về sản xuất và đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, các quy định về xử phạt về sản xuất, tiêu thụ, quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng cũng đã quy định rõ trong Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên thời gian qua, vẫn có vi phạm liên quan đến lĩnh vực này. Bởi sản xuất thực phẩm chức năng, sản xuất hàng giả đem lại lợi nhuận cao và họ lợi dụng, thổi phồng các giá trị của mặt hàng được sản xuất ra để thu lợi…

Để giải quyết các vấn đề này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, hiện Bộ Y tế đã có trang web của Cục An toàn thực phẩm cấp giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp sản xuất đúng quy định để các doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể tra cứu các mặt hàng sản xuất đúng theo quy định.

Đại biểu tham dự phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Còn đối với những người vi phạm, Bộ Y tế cũng có cảnh báo như gửi công văn đến đến các bộ ngành liên quan để kịp thời xử lý. Thực tiễn hiện nay quảng cáo trên các trang mạng xã hội còn gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý. Do đó, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị các doanh nghiệp vi phạm cần được xử lý nghiêm khắc để làm gương như biện pháp cấm xuất cảnh…

Trả lời chất vấn về nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định rằng, hệ thống y tế cơ sở là hàng rào đầu tiên để giúp cho ngành y tế chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân ngay tại cơ sở. Để củng cố hệ thống y tế cơ sở sau dịch COVID-19, Ban cán sự Đảng Bộ Y tế đã báo cáo với Ban cán sự Đảng Chính phủ và đã trình Ban Bí thư Chỉ thị số 25 để tăng cường y tế cơ sở và Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 99 với nhiều giải pháp cụ thể và hiện đang được Chính phủ và các bộ ngành triển khai về nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở.

Liên quan đến vấn đề nguồn lực và chương trình mục tiêu trong hệ thống y tế cơ sở, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, việc xây dựng chương trình mục tiêu cho y tế trong giai đoạn sắp tới là hết sức cần thiết. Bởi vì chúng ta cần nguồn lực cho các địa phương, cho các cơ sở y tế ở tuyến dưới có thể phát triển được, đáp ứng được yêu cầu, tuy nhiên đây cũng là một bài toán hết sức khó khăn…

Tại phiên làm việc, các đại biểu cũng đặt nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề: thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử; việc quản lý thị trường dược, mỹ phẩm; tình trạng thiếu thuốc tại các bệnh viện; nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu thuốc; giải pháp khắc phục tình trạng bác sĩ "dởm" hành nghề; giải pháp huy động sự tham gia của cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó y tế sau thiên tai; giải pháp đột phá trong thu hút, giữ chân bác sĩ, y tá cho trạm y tế cấp xã; cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập…

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc