Multimedia Đọc Báo in

Thanh tra tỉnh Đắk Lắk chú trọng đổi mới, nâng cao tính chuyên nghiệp

08:05, 22/11/2024

Lời dạy của Bác  Hồ “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới” đã trở thành tư tưởng chỉ đạo, phương châm hoạt động, mục tiêu phấn đấu của ngành Thanh tra trong suốt chiều dài lịch sử.

Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2024), phóng viên Báo Đắk Lắk có cuộc phỏng vấn ông Đinh Xuân Hà, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh về những thành quả nổi bật của ngành.

♦ Xin ông cho biết quá trình xây dựng và trưởng thành, Thanh tra tỉnh đã có những đóng góp thiết thực như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương?

Ngành Thanh tra tỉnh Đắk Lắk được thành lập từ tháng 10/1976, với nhiệm vụ ban đầu là chống tiêu cực, cửa quyền và vi phạm trong quản lý kinh tế - xã hội. Trải qua gần 5 thập kỷ phát triển, ngành đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và củng cố nền hành chính nhà nước minh bạch, hiệu quả. Chúng tôi thực hiện hàng trăm cuộc thanh tra mỗi năm, từ quản lý đất đai, tài chính, ngân sách đến an sinh xã hội. Điều này giúp phát hiện và xử lý vi phạm và còn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân cũng như thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh.

Trong 5 năm qua, ngành đã thực hiện 846 cuộc thanh tra hành chính và 1.815 cuộc thanh tra chuyên ngành, phát hiện vi phạm về kinh tế lên đến 180,3 tỷ đồng và 22,2 ha đất. Ngành đã kiến nghị thu hồi 106,1 tỷ đồng và 3,7 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính đối với 181 tập thể và 578 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc có dấu hiệu tội phạm; ban hành 1.886 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 25 tỷ đồng. Cùng với đó, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo cũng được thực hiện quyết liệt, góp phần giảm thiểu tình trạng khiếu kiện vượt cấp và bảo đảm an ninh trật tự. Toàn ngành đã tiếp 19.257 lượt công dân; tiếp nhận, xử lý 25.198 đơn khiếu nại, tố cáo.

Ngoài ra, trong công tác phòng, chống tham nhũng, ngành Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đã có những kết quả đáng ghi nhận khi tiến hành kiểm tra 100 cơ quan, tổ chức về việc thực hiện công khai minh bạch. Qua đó, đã góp phần giúp các cơ quan chức năng phát hiện, đấu tranh và khởi tố một số vụ án liên quan đến hành vi tham nhũng, cụ thể như: vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Y tế Đắk Lắk; vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk; vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại dự án Công trình xử lý nước thải Cụm Công nghiệp Tân An 1 và 2...

Với những thành tích đạt được, ngành Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đã 3 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua (1999, 2004, 2022), Thanh tra Chính phủ tặng 12 Cờ đơn vị thi đua xuất sắc, UBND tỉnh tặng 5 Cờ đơn vị thi đua xuất sắc và nhiều bằng khen cho tập thể và cá nhân xuất sắc. Đặc biệt trong năm 2005, ngành vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; năm 2007, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

♦ Ngành Thanh tra tỉnh có những đổi mới như thế nào đế công tác thanh tra ngày càng chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, thưa ông?

Thanh tra tỉnh Đắk Lắk luôn chú trọng đổi mới phương thức làm việc và nâng cao tính chuyên nghiệp. Trong đó, đã tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các phần mềm quản lý và theo dõi công việc như Hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc trực tuyến (iDesk), hệ thống dịch vụ công trực tuyến (iGate) để tăng cường tính minh bạch, giảm thiểu sai sót và rút ngắn thời gian xử lý công việc.

Ngoài ra, ngành cũng đặc biệt chú trọng xây dựng kế hoạch thanh tra dựa trên tình hình thực tế, tập trung vào những lĩnh vực có nguy cơ cao, như quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, tài chính, ngân sách. Sau mỗi cuộc thanh tra, chúng tôi giám sát chặt chẽ việc thực hiện các kết luận và kiến nghị để bảo đảm hiệu quả lâu dài.

Bên cạnh đó, ngành Thanh tra tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và người dân để bảo đảm tính toàn diện và khách quan trong công tác thanh tra. Các cải tiến này đã giúp ngành Thanh tra tỉnh ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn trong công tác phát hiện và xử lý vi phạm. Đặc biệt, Thanh tra tỉnh luôn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thanh tra, giúp họ nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ. Việc đánh giá, khen thưởng kịp thời đối với những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác thanh tra là động lực để cán bộ, công chức không ngừng phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

♦ Xin cảm ơn ông!

  Lê Thành (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.