Multimedia Đọc Báo in

Hào hùng căn cứ kháng chiến Nâm Nung

17:07, 26/12/2024

Khu căn cứ kháng chiến Nâm Nung (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) là địa danh đã gắn liền với nhiều chiến thắng lịch sử trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Khi nói về căn cứ kháng chiến Nâm Nung, những cán bộ, chiến sĩ cách mạng - nhân chứng lịch sử hiện còn sống trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đều khẳng định: Khốc liệt, khó khăn gian khổ, thiếu thốn đủ đường, đói cơm lạt muối nhưng cán bộ, chiến sĩ, đồng bào vùng căn cứ vẫn kiên cường bám trụ, đấu tranh anh dũng…

Ông Nguyễn Văn Khanh kể: “Vào những năm sau 1954, tôi được cài cắm trong vùng địch để nắm tin tức. Thế nhưng, chỉ một thời gian thì thấy tôi có nguy cơ bị bắt lính nên tổ chức đưa tôi lên vùng căn cứ Nâm Nung. Lúc bấy giờ, do có tay nghề thợ may, tôi được phân công vào tổ máy khâu, phụ trách việc may áo quần cho quân ta. Lúc đó vải vóc thiếu thốn, quân ta ăn mặc rách rưới lắm. Có thời kỳ, ta phải về vùng địch nhờ cơ sở mua các bao đựng bột mì để đem lên căn cứ làm vải may quần áo nhưng phải nhúng bùn, nhuộm màu nâu, đen, quân ta mới mặc được”.

Căn cứ địa Nâm Nung được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2005.

Năm 1960, đường hành lang chiến lược Bắc - Nam chưa khai thông nên vũ khí không có, chủ yếu là tên ná, hầm chông, cạm bẫy và một số loại súng cũ kỹ lấy được của địch. Tuy nhiên, điều mà ông Khanh vẫn còn nhớ mãi, đó là tinh thần hy sinh cho cách mạng, bảo vệ căn cứ của đồng bào ở các buôn làng rất cao. Người già, phụ nữ thì sản xuất lương thực, vót chông, đặt bẫy, còn thanh niên trai tráng thì vào rừng tham gia chiến đấu. Đồng bào một lòng tin theo Đảng, cách mạng, sẵn sàng đóng góp sức người, sức của cho cách mạng, dù phải chịu đựng đói cơm, lạt muối, rách rưới, ốm đau, nhưng vẫn kiên cường, bất khuất, không chịu đầu hàng, không theo địch.

Ông Phạm Ngọc Định nhớ lại, trong những năm 1961 - 1963, địch liên tục mở các đợt càn quét vào vùng căn cứ Nâm Nung, đánh vào các vùng nương rẫy, rải chất độc tàn phá hoa màu, ngăn chặn việc sản xuất, tiếp tế lương thực cho bộ đội. Quân và dân ta gặp rất nhiều khó khăn, lương thực thiếu, phải đào củ rừng ăn trong nhiều tháng liền. Ông Định là người trực tiếp đi chiến đấu, nhưng có thời điểm khẩu phần ăn thường xuyên là 1 phần cơm 3 phần màu, chủ yếu là sắn. Thiếu thốn là vậy, nhưng các cơ quan tỉnh, huyện, các tuyến hành lang và nhân dân vùng căn cứ vẫn bám trụ đánh địch, bảo đảm an toàn, đường hành lang vẫn thông suốt.

Nguyên Bí thư Huyện ủy Đắk Nông (cũ) Lê Trúc Phương phân tích: Căn cứ kháng chiến Nâm Nung có những nét đặc trưng riêng, vừa là tiền tuyến vừa là hậu phương vững chắc của cách mạng trong những năm tháng còn nhiều khó khăn đó. Điều quan trọng nhất là dù khó khăn, gian khổ đến đâu, cán bộ, chiến sĩ, đồng bào vẫn luôn kiên cường bám trụ, theo tinh thần “một tấc không đi, một ly không rời”. Thiếu muối ăn, có những thời điểm, ta phải cắt đường, vượt qua vùng địch đóng, đi hàng tháng trời xuống tận Bình Thuận hay sang Campuchia mới gùi được muối về. Có thời điểm, sắn là lương thực chủ yếu, nhưng do địch rải chất độc hóa học nên không còn tinh bột, đói thì đành phải ăn. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn đó, đồng bào các dân tộc tại vùng căn cứ Nâm Nung luôn tìm cách ủng hộ, giúp đỡ cách mạng, làm được bao nhiêu lương thực đều dành cung cấp cho phía trước, cho các vùng khác để chống đói.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Nâm Nung là căn cứ địa vững chắc của Tỉnh ủy Quảng Đức, nơi xây dựng thực lực từ không đến có, từ yếu đến mạnh, từ ít đến nhiều, đập tan các cuộc hành quân càn quét của địch. Căn cứ kháng chiến Nâm Nung còn là địa điểm khai thông tuyến đường hành lang chiến lược Bắc - Nam, nối liền Nam Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ để vận chuyển, đưa đón hàng vạn cán bộ, bộ đội, hàng vạn tấn vũ khí, khí tài chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc vào chiến trường miền Nam, góp phần cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Mạnh Phong


Ý kiến bạn đọc


(Video) Câu lạc bộ Bóng đá Đắk Lắk sẵn sàng vượt thử thách ở mùa bóng mới
Vào ngày 11/4, trái bóng tròn sẽ chính thức lăn trên sân bóng cả nước tại Giải hạng Nhì quốc gia 2025. Câu lạc bộ Bóng đá Đắk Lắk đã có sự chuẩn bị cần thiết về mọi mặt về chuyên môn, sẵn sàng vượt thử thách ở mùa bóng mới.